Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao lỗi lạc

Hầu như tất cả cán bộ ngoại giao lão thành ở nước ta khi được hỏi đều khẳng định nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên từng dày công nghiên cứu để viết một cuốn sách về “tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”, trong đó ông cho rằng phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh gồm: tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo; ứng xử linh hoạt; nói giản dị, dễ cảm hóa, thuyết phục và viết ngắn gọn, hàm súc, dễ hiểu. Với những người ngoài ngành ngoại giao, hay với nhân dân Việt Nam nói chung, tư tưởng, phong cách, phẩm chất ấy làm nên một thứ gọi ngắn gọn là tài ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tài ngoại giao thể hiện trong suốt đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, từ khi Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập năm 1945, trải qua giai đoạn “thù trong giặc ngoài” đầy sóng gió năm 1945-1946, tới khi Việt Nam “đánh đu giữa hai đường lối” Liên Xô-Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Giữ vững chiến lược, mềm dẻo chiến thuật

PGS-TS Vũ Dương Huân (Tổng lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông, Nga) cho rằng trong hoạt động ngoại giao, đặc điểm lớn của Hồ Chủ tịch là “kiên định các vấn đề về chiến lược, các vấn đề nguyên tắc, lợi ích sống còn của dân tộc, song vô cùng mềm dẻo các vấn đề về sách lược”.

Có thể thấy cuộc đấu tranh với thực dân Pháp và Tàu Tưởng giai đoạn 1945-1946 là một ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm này của Hồ Chí Minh, khi đó cũng là bộ trưởng Ngoại giao. Khi Tàu Tưởng kéo vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật, Hồ Chí Minh đã hết sức mềm dẻo, nhân nhượng Tưởng nhiều việc như chấp nhận cho chúng tiêu tiền quan kim mất giá, cung cấp lương thực cho quân Tưởng. Song Người cũng kiên quyết không để Tưởng can thiệp vào chính quyền, giữ vững thế hợp pháp của chính quyền nhằm tập trung đối phó với quân Pháp vừa trở lại Nam Bộ.

Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao lỗi lạc ảnh 1

Hồ Chủ tịch và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. (Ảnh tư liệu)

Ngay cả trong chuyện cung cấp lương thực cho quân Tưởng, Hồ Chủ tịch cũng giữ sự cân bằng giữa nhân nhượng đối thủ và đảm bảo lợi ích dân tộc. Đòi thêm gạo không được, một viên tướng của Lư Hán và Tiêu Văn đã to tiếng hăm dọa: “Không có gạo thì sẽ dùng vũ lực”. Hồ Chí Minh trả lời bình tĩnh và nghiêm khắc: “Ông muốn làm gì cũng được. Nhưng tôi không thể cho ông gạo nhiều hơn khi nhân dân tôi còn đang chết đói”. Tay này sau đó đã phải im miệng.

Ngoại giao Câu Tiễn” - đó là chủ trương ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quân Tàu Tưởng mà Người luôn nhấn mạnh với các cán bộ đối ngoại. Cách gọi này có hàm ý về một đối sách mềm, cố gắng chịu đựng cho đến khi Tàu Tưởng giải giáp quân Nhật xong sẽ không còn lý do gì để ở lại Việt Nam. Một khi chúng rút quân rồi, ta sẽ dễ ứng phó với Pháp hơn. Nhưng không vì thế mà lùi bước đến mức độ thất thế trước Tàu Tưởng. Và vị bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, với vốn văn hóa Đông Tây rất rộng, Hán học uyên thâm, khả năng “đắc nhân tâm” tuyệt vời, đã chinh phục được nhiều tướng lĩnh của Tưởng sau vài lần tiếp xúc.

Hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy - nguyên trợ lý ngoại giao của Hồ Chủ tịch, phụ trách công tác đối Tưởng và Hoa kiều - ghi lại: “Lần đầu tiên Bác đến thăm Lư Hán tại Phủ Chủ tịch hiện nay, họ Lư cho một viên quan tùy tùng ra đón, để Bác ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi. Hành xử như vậy nhưng sau cuộc trò chuyện, Lư Hán đưa Bác ra tận cổng, tiễn Bác lên xe rồi mới vào. Những lần sau Bác đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng và tiễn tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác”.

Trong đấu tranh với thực dân Pháp, Hồ Chí Minh cũng giữ vững các vấn đề về nguyên tắc, như là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; song đồng thời sẵn sàng nhân nhượng, thỏa hiệp với Pháp những gì có thể nhân nhượng được. Chẳng hạn, theo PGS-TS Vũ Dương Huân, chính vì Hồ Chủ tịch linh hoạt dùng từ gọi Việt Nam là “nước tự do”, có quân đội, chính phủ riêng, tài chính riêng… thay cho từ “độc lập”, nhân nhượng cho Pháp nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa… mà ký được Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp trong bối cảnh cực kỳ phức tạp, khó khăn và cấp bách.

Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao lỗi lạc ảnh 2

Bác Hồ trong chuyến đi Pháp năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Đặc điểm ngoại giao giữ vững chiến lược, mềm dẻo chiến thuật ấy sau này đã được một số nhà ngoại giao ở Việt Nam nghiên cứu, tổng kết thành lý thuyết. Trong một trao đổi gần đây với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên - tác giả cuốn Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh nhận định: “Công tác đối ngoại có cái khó nhưng cũng có cái dễ. Cái khó là phải tuân theo chủ trương. Người làm đối ngoại phải nắm vững chủ trương đường lối, không thể đi trật. Nhưng cái dễ là có thể vận dụng linh hoạt chủ trương đường lối ấy. Nếu nhà ngoại giao có kinh nghiệm, biết vận dụng sáng tạo thì sẽ thành công. Tương tự như võ sĩ vậy, khổ công luyện tập, thành thạo các ngón võ thì khi ra đấu trường có thể phát huy sáng tạo và chiến thắng”.

Đoàn kết bạn bè quốc tế

Khi Việt Nam trở thành điểm nóng của Chiến tranh Lạnh, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khéo léo cân bằng được quan hệ với hai nước lớn khối XHCN là Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1964, gần đến sinh nhật thứ 70 của Khrushchev, Hồ Chủ tịch mời đại sứ Liên Xô lên gặp và gửi lời chúc mừng tới Khrushchev làm giới lãnh đạo Liên Xô rất cảm động. Năm 1968, nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Người lại cử đoàn đại biểu quân dân miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đi thăm Trung Quốc.

Ngay cả với kẻ thù lúc đó là Mỹ, Hồ Chủ tịch cũng nêu rõ: “Chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng…”.

Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao lỗi lạc ảnh 3

Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Người có quan điểm đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ từ rất sớm. Ngay từ năm 1947, trả lời hãng tin Mỹ International News Service, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”.

Là một nhà lãnh đạo của Việt Nam, Hồ Chí Minh rất được giới chính khách quốc tế tôn trọng, nể vì, bạn bè quốc tế yêu mến. Người thường xuyên căn dặn cán bộ ngoại giao: “Các chú phải làm sao để mỗi người bạn quốc tế đến nước ta là gần và yêu Việt Nam thêm một chút”, “Ta phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua việc vận dụng những phương pháp phong cách ứng xử nhạy bén, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật đó còn thể hiện trong việc thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (ngũ tri) của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét rằng Hồ Chí Minh là con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch..., nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể.

Hiện nay, khi những điều kiện quốc tế khác nhiều so với trước, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao sẽ mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đề ra nhằm phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần độc lập tự chủ, không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội và phát triển, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế thế giới là nội dung cơ bản... Việc vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh còn đòi hỏi mỗi cán bộ ngoại giao không ngừng học tập nội dung tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao và ứng xử văn hóa của Người trong giao tiếp đối ngoại; rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức, phẩm chất, kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa theo gương Bác Hồ vĩ đại.

(Trích Tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngoại giaocủa nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giaoNGUYỄN DY NIÊN)

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm