Họ nói về chúng tôi

(PLO)- Một chương trình lớn, đặc biệt có ý nghĩa xã hội, chính trị, pháp lý do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ năm 2023 đến 2025, giai đoạn đầu đã thành công tốt đẹp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong sự thành công ấy không thể thiếu những người luôn đồng hành, gắn bó với chương trình và là những người bạn của bà con ngư dân xuyên suốt năm qua. Và để thay lời cảm ơn, Ban tổ chức chương trình xin ghi nhận những đánh giá rất ý nghĩa, chân tình, thân thiết để chúng tôi tiếp tục hành trình tiếp theo đến với hàng ngàn gia đình ngư dân trong cả nước.

14-15-Anh-1.jpg
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình (bìa phải), thăm hỏi gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bạc Liêu.

Chương trình rất ý nghĩa và sức lan tỏa lớn

Tôi đánh giá rất cao chương trình bởi nó mang ý nghĩa phổ quát là phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển theo chủ trương lớn của Nhà nước. Thực tế ngoài việc làm kinh tế để ổn định cuộc sống, ngư dân còn là một chủ thể đồng hành với các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mỗi ngư dân như là một cột mốc về chủ quyền. Chương trình đã khơi gợi được tình cảm, tâm huyết và ý thức trách nhiệm của ngư dân và con em họ để ý thức và hành động thiết thực.

Với quy mô thực hiện ở toàn bộ 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước thì chắc chắn sự lan tỏa của chương trình là rất lớn, đúng với tiêu chí và thông điệp chủ đạo của chương trình là “Vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an”. Bà con ngư dân hiểu luật và làm kinh tế giỏi, không chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển, đây là điều rất quý. 1/3 chặng đường vừa qua, chương trình đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng ngư dân và bạn đọc cả nước. Trước thềm năm mới xuân Giáp Thìn tôi xin chúc chương trình tiếp tục gặt hái thành công vang dội hơn nữa.

14-Anh-1.jpg
Ông Trương Hòa Bình nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình trao quà cho ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
14-15-Anh-3.jpg
Ông PHAN XUÂN THỦY, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trao quà cho ngư dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mỗi nơi đi qua là một hành trình đầy cảm xúc

Năm 2023 chương trình đã đến với bà con ngư dân của chín địa phương, từ TP.HCM đến Bà Rịa-Vũng Tàu rồi các tỉnh Duyên hải miền Trung và một số tỉnh Tây Nam Bộ. Tôi may mắn được dự ngày ra mắt chương trình và được đồng hành với báo tại một số địa phương. Trên hành trình này, có thể nói mỗi một địa phương khi chương trình đi qua đối với tôi là một trải nghiệm rất nhiều cảm xúc.

Tôi nhớ vào tháng 7-2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình về nguồn “Thắp sáng ngọn lửa tri ân” tại Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ, cùng lúc chương trình tổ chức tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) vào thời điểm thời tiết cực kỳ nắng nóng. Tôi tham gia đoàn của báo và lãnh đạo tỉnh thăm một gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, phía sau căn nhà đơn sơ là bờ biển mênh mông. Cả gia đình anh ngư dân xúc động đón nhận món quà của báo trong tiếng gió biển ào ào. Anh nghẹn lời không nói, chỉ nắm chặt tay chúng tôi để cảm ơn.

Sau đó, chúng tôi trở về hội trường gặp gỡ, giao lưu và tặng quà cho bà con. Trời nắng oi, gay gắt, trong hội trường chỉ có quạt gió. Hôm ấy từ bà con ngư dân đến Ban tổ chức, những người thực hiện chương trình và cả khách mời lưng áo ướt sũng mồ hôi nhưng ai nấy đều hào hứng. Nhìn cảnh bà con ngư dân phấn khởi đội nắng đến nghe chương trình trao đổi “Đáp lời ngư dân”, hào hứng đón nhận những phần quà ý nghĩa, chúng tôi và đại diện các doanh nghiệp đồng hành rất xúc động.

14-15-Dung.jpg
Ông TRẦN TRỌNG DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm của chương trình ở Bình Thuận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền

Cuộc sống của bà con ngư dân ở các vùng duyên hải vốn khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19, một số người phải bỏ biển đi tìm công việc mới để mưu sinh. Trong bối cảnh ấy, chương trình đã như một luồng sinh khí mới động viên, hỗ trợ trực tiếp cho bà con ngư dân khắp cả nước bám biển làm kinh tế. 1/3 chặng đường đã đi qua cho thấy chương trình được bà con ngư dân rất hoan nghênh đón nhận và Hội Thủy sản cả nước rất đồng tình ủng hộ.

Việc Ban Biên tập báo chủ biên cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” là một sáng kiến hữu ích vì nó chứa đựng trong đó rất nhiều kiến thức pháp lý qua các tình huống hỏi đáp dễ tiếp cận. Đây là một giải pháp giúp ngư dân hành động trực tiếp để cùng chính quyền các địa phương tháo gỡ thẻ vàng IUU theo kế hoạch hành động của Chính phủ, thể hiện rằng ngư dân và chính quyền dù ở trên bờ hay trên biển đều là một khối thống nhất.

Mục tiêu của chương trình là tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển, phát huy vai trò, sự hiện diện của họ trên từng vùng biển, đúng với ý nghĩa mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền. Điều này giúp hàng triệu ngư dân hiểu rõ về quy định liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, bảo vệ môi trường biển và nâng cao ý thức lẫn hành động trong công việc hằng ngày.

14-15-Anh-4.jpg
TS NGUYỄN VIỆT THẮNG, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, trao quà cho ngư dân huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
14-15-Anh.jpg

Ông NGUYỄN NGỌC ANH, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng:

Thể hiện tính nhân văn sâu sắc

Tôi đánh giá rất cao chương trình bởi ý nghĩa to lớn là một hoạt động xã hội sau mặt báo hướng tới ngư dân cả nước và có sức lan tỏa rộng lớn. Ngoài việc trao tặng ngư dân khó khăn những món quà bằng hiện vật có giá trị lớn, thiết thực, các hoạt động của chương trình còn hướng tới việc cung cấp kiến thức pháp luật cần thiết cho bà con. Đặc biệt chương trình còn hướng tới con em ngư dân vượt khó học giỏi với việc trao hàng ngàn suất học bổng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Có dịp cùng Ban tổ chức tham gia trao quà ở một số địa phương, tôi cảm nhận khá sâu sắc về ý nghĩa của chương trình và cho rằng đây thực sự là một ngày hội của ngư dân. Chương trình không chỉ giúp hỗ trợ kinh tế cho các gia đình này mà còn giúp xóa bỏ những rào cản thông tin và kiến thức về pháp luật liên quan đến nghề cá. Với cách tổ chức sự kiện rất chuyên nghiệp, bài bản của Ban tổ chức và sự ủng hộ chí tình của các mạnh thường quân, chắc chắn chương trình sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn trong lòng độc giả và sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng.

Đại tá NGUYỄN VĂN BẮC, Tổng Biên tập báo Quân Khu 7:

14-15-Bac.jpg

Đặc biệt bởi quy mô trải rộng

Chương trình là tâm huyết lớn lao, là nỗ lực đáng khen ngợi của báo Pháp Luật TP.HCM, các đơn vị đồng hành và các cơ quan thực thi pháp luật trên biển hướng đến bà con ngư dân cả nước. Chương trình đã và sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, hiệu quả trong việc hỗ trợ ngư dân, tuyên truyền pháp luật và tháo gỡ thẻ vàng IUU. Đồng thời, đây là một minh chứng điển hình về sự hợp tác giữa cơ quan báo chí và các tổ chức xã hội để xây dựng một cộng đồng văn minh, phát triển bền vững trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác sản phẩm từ biển.

Tôi cho rằng chương trình không chỉ mang đến giá trị vật chất cho các ngư dân, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nghề cá, khai thác hải sản. Nó cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ ngư dân và tuyên truyền pháp luật, cũng như chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU. Điểm đặc biệt của chương trình là tính toàn diện và quy mô rộng lớn.

PHONG ĐIỀN ghi

Ông LÂM QUANG HIẾU, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo điện tử Zing News:

14-15-Hieu.jpg

Thể hiện uy tín cao của báo Pháp Luật TP.HCM

Việc huy động được nguồn lực lớn về nhân lực, vật lực tổ chức với quy mô ở 28 tỉnh, thành có biển thể hiện uy tín rất cao của quý báo.

Đã có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng cách làm của báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều khác biệt. Các thiết bị chiếu sáng ban đêm chất lượng tốt, giá trị cao không chỉ giúp ngư dân làm việc hiệu quả hơn mà còn giúp thắp sáng biển, thể hiện sự hiện diện không kể ngày đêm của người Việt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Khá lâu rồi trên báo chí mới có một đợt truyền thông mạnh mẽ cho ngư dân như vậy. Thông qua chương trình và các sản phẩm báo chí đa dạng, người đọc, người xem được lắng nghe nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng, vấn đề của ngư dân cả nước. Ở đó các vấn đề cạn kiệt nguồn lợi hải sản, phát triển xanh, IUU, đổi mới trang thiết bị đánh bắt được mổ xẻ thấu đáo với đầy ắp thông tin từ những người đi biển, các chuyên gia, nhà quản lý.

Hy vọng chương trình sẽ mở rộng thêm các hướng mới như vận động tài trợ lãi suất cho ngư dân được vay vốn giá rẻ để phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt hải sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm