Hôm nay bầu cử Philippines, hơn 67 triệu cử tri 'cần sự thay đổi'

(PLO)-  Ngày 9-5, người dân Philippines đi bỏ phiếu bầu lãnh đạo các cấp, bao gồm bỏ phiếu bầu tân tổng thống cho nước này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những giờ bỏ phiếu cuối cùng…

Hơn 18.000 điểm bỏ phiếu đã mở trên toàn Philippines vào ngày 9-5 để người dân tiến hành bầu cử lãnh đạo các cấp, theo kênh CNA. Các điểm bỏ phiếu ở nước này sẽ mở từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối (giờ địa phương) để bầu ra các lãnh đạo mới, bao gồm tổng thống, phó tổng thống, thượng nghị sĩ, thành viên hạ viện và các quan chức cấp tỉnh cũng như địa phương.

Theo Ủy ban Bầu cử Phiilippines (COMELEC), có khoảng 65,7 triệu cử tri Philippines đã đăng ký đi bầu cử và khoảng 1,69 triệu cử tri ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu thông qua các đại sứ quán, lãnh sự quán ở nước ngoài.

Một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: REUTERS

Một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: REUTERS

Hôm 9-5, COMELEC cho biết cơ quan này chưa nhận được báo cáo về bất kỳ vấn đề lớn nào liên quan đến quá trình bỏ phiếu. COMELEC cũng cho biết đã có một chút chậm trễ với việc bỏ phiếu ở một số điểm bầu cử ở các tỉnh phía nam nước này là Cotabato và Marawi.

Từ sáng 9-5, đã có rất nhiều cử tri đủ 18 tuổi lần đầu tiên tham gia bầu cử. Anh John Tristan Bulacan, 18 tuổi nói: “Tôi nghĩ những người tôi đã bầu chọn sẽ thay đổi hệ thống. Điều quan trọng là phải bỏ phiếu vì có rất nhiều chính trị gia tham nhũng cần bị loại bỏ khỏi vị trí của họ. Đối với người nghèo, họ cần sự thay đổi ”.

Các tình nguyện viên chuẩn bị cho các cuộc bỏ phiếu ở tình Camarines Sur. Ảnh: REUTERS

Các tình nguyện viên chuẩn bị cho các cuộc bỏ phiếu ở tình Camarines Sur. Ảnh: REUTERS

Một cử tri 18 tuổi khác là cô Maria Tricia Tenazo. Cô nói: "Chúng tôi sẽ bầu ra tổng thống và phó tổng thống mới, những người sẽ điều hành đất nước. Đó là lý do tại sao điều này quan trọng đối với tôi vì tôi muốn chúng tôi có những nhà lãnh đạo lèo lái đất nước tốt. Tôi vừa bước sang tuổi 18, vì vậy, đây là lần đầu tiên tôi đi bỏ phiếu. Tôi cảm thấy hơi lo lắng vì tôi vẫn chưa quen với quy trình bầu cử”.

...vẫn “nóng” chuyện tranh cử tổng thống

Có 10 ứng viên tranh cử chức tổng thống Philippines, trong đó, hai ứng cử viên dẫn đầu trong những cuộc thăm dò dư luận là ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr - con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos và Phó tổng thống đương nhiệm Maria Leonor "Leni" Robredo. Theo hãng tin Reuters, hiện ông Marcos hơn bà Robredo 30 điểm phần trăm về tỉ lệ ủng hộ của cử tri.

Ông Marcos, 64 tuổi, có thông điệp tranh cử là “chúng ta sẽ cùng trỗi dậy lần nữa” và luôn nhấn mạnh về tính đoàn kết, thống nhất Philippines. Tuy nhiên, ông cung cấp rất ít chi tiết về chính sách cụ thể của mình trong các cuộc tranh cử và trên các cuộc phỏng vấn.

Ứng cử viên tổng thống Maria Leonor "Leni" Robredo (trái) và Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. Ảnh: DAILY TRIBUNE

Ứng cử viên tổng thống Maria Leonor "Leni" Robredo (trái) và Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. Ảnh: DAILY TRIBUNE

Bà Robredo, 57 tuổi, là cựu luật sư nhân quyền đã cam kết cải thiện giáo dục và phúc lợi, chống đói nghèo và cải thiện cạnh tranh thị trường nếu đắc cử.

Đài Al Jazeera cho rằng nếu ông Marcos đắc cử thì sẽ gây ra những tranh cãi. Lý do là vì nhiều người lo ngại ông Marcos sẽ hồi sinh cách lãnh đạo đất nước như cha ông - cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.

Cựu Tổng thống Ferdinand Marcos đã có những biện pháp lãnh đạo đất nước cứng rắn. Ông dính nhiều cáo buộc giết hại hàng ngàn người bất đồng chính kiến, bao gồm cả đối thủ tranh cử chức tổng thống với mình. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng dưới chính quyền ông cũng là một vấn đề nhức nhối. Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính hồi năm 2004 rằng vợ chồng cựu Tổng thống Ferdinand Marcos đã biển thủ 10 tỉ USD trong thời gian nắm quyền, tức là từ năm 1965 tới 1986.

Người dân bỏ phiếu bầu lãnh đạo các cấp ở Manila hôm 9-5. Ảnh: REUTERS

Người dân bỏ phiếu bầu lãnh đạo các cấp ở Manila hôm 9-5. Ảnh: REUTERS

Cho dù là ứng cử viên nào đắc cử tổng thống Philippines năm nay thì cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề đáng quan ngại, bao gồm nền kinh tế chịu tác động xấu do đại dịch, nghèo đói và thất nghiệp nhiều hơn, siêu lạm phát do giá dầu và khí đốt tăng vọt và sự chia rẽ chính trị gia tăng.

Người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte cũng có thể sẽ phải đối mặt với những lời kêu gọi truy tố ông Duterte vì chiến dịch trấn áp tội phạm ma tuý đẫm máu khiến hàng ngàn nghi phạm thiệt mạng. Hiện Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra vụ việc này và ông Duterte có thể phạm tội ác chống lại loài người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm