Hãng tin Reuters ngày 24-7 cho biết 43 quốc gia đã cùng cáo buộc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Theo đó, các nước gửi đơn khiếu nại Triều Tiên nhập khẩu quá khối lượng xăng dầu tinh chế cho phép, đồng thời kêu gọi nước này ngừng các hoạt động giao hàng cho đến cuối năm.
Trong đơn gửi lên Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, 43 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp cho biết, ước tính năm tháng đầu năm 2020, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu thùng xăng dầu tinh chế thông qua 56 đợt giao hàng bằng các tàu chở dầu bất hợp pháp.
Theo lệnh trừng phạt của LHQ đưa ra vào tháng 12-2017, Triều Tiên chỉ có thể nhập khẩu 500.000 thùng xăng dầu tinh chế/năm, nhằm nỗ lực cắt giảm nhiên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Quốc kỳ Triều Tiên treo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 2-10-2014. Ảnh: REUTERS
43 nước đã yêu cầu ủy ban trừng phạt nhanh chóng đưa ra quyết định chính thức rằng Triều Tiên đã mua nhiên liệu vượt quá giới hạn và “thông báo cho các nước thành viên ngừng bán, cung cấp hoặc chuyển giao các sản phẩm xăng dầu tinh chế cho CHDCND Triều Tiên”.
Đơn khiếu nại cũng muốn ủy ban trừng phạt cảnh báo các quốc gia, tăng cường đề phòng những nỗ lực của Triều Tiên trong việc mua thêm xăng dầu và ngăn chặn việc chuyển nhượng phi pháp của họ trên biển, theo Reuters.
Trước đó vào tháng 6-2019, Mỹ và 20 quốc gia khác đã đệ đơn khiếu nại tương tự, nhưng vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc và Nga.
Hai cường quốc này cho rằng cần thêm thông tin về quá trình nhập khẩu xăng dầu tinh chế của Triều Tiên.
Hiện phái đoàn Triều Tiên tại LHQ vẫn chưa đưa ra bất kì bình luận nào về vấn đề này.
Hình ảnh tàu chở dầu của Triều Tiên được chụp lại trên biển. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2006, do các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.
Và mặc cho Hội đồng Bảo an liên tục tăng cường các biện pháp trừng phạt, các giám sát viên phía Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển và tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ngồi vào bàn đàm phán với nhau ba lần, kể từ năm 2018, để tìm giải pháp cho vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo vẫn không đạt được bất kỳ kết quả nào, khi Bình Nhưỡng không chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình và Mỹ cũng không chịu đáp ứng yêu cầu chấm dứt trừng phạt từ phía Triều Tiên.