Trước đó, ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cho phép các công ty Mỹ bán thiết bị cho Huawei nếu việc giao thương này không đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Trump còn nói thêm rằng Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về việc Bộ Thương mại Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm với tập đoàn Huawei. Tuy nhiên "đây không phải là một lệnh ân xá toàn bộ", ông Trump nói.
“Chúng tôi đã được biết những thông tin từ Tổng thống Trump liên quan đến Huawei và sẽ chờ đợi hướng dẫn của Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này”, Phó chủ tịch Huawei về quản lý rủi ro, ông Tim Danks, nói.
Huawei phải chờ sự chấp thuận của Bộ Thương mại Mỹ để tiếp tục "làm ăn" với Google. Ảnh: REUTERS
Tháng 5-2019, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump đã cấm Huawei nhập khẩu phần cứng từ Mỹ, nên Google đã ngừng việc chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật.
Việc này đã gây nên nhiều lo lắng cho người dùng Huawei trên toàn cầu. "Người tiêu dùng rõ ràng không muốn mua một chiếc điện thoại không cung cấp dịch vụ họ muốn và các nhà bán lẻ không muốn nhận loạt hàng tồn kho không bán được", nhà phân tích Bryan Ma của công ty IDC nói.
Trong khi đó, từ tháng 6, truyền thông Mỹ loan tin một số công ty công nghệ, trong đó Intel và Micron, đã “lách lệnh cấm” mà tiếp tục bán thiết bị viễn thông cho Huawei bằng cách tránh dán nhãn trên sản phẩm "made in USA" (sản xuất tại Mỹ).
Tháng 6-2019, Huawei cam kết cung cấp các bản cập nhật Android Q cho người dùng trên các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei. Ngoài ra, các thiết bị này sẽ tiếp tục nhận được các bản sửa lỗi bảo mật và cập nhật hệ điều hành Android.