Huawei trả đũa vụ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt

Ngày 28-7, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cho biết họ sẽ xem xét mọi bằng chứng nhằm tố cáo ngân hàng HSBC đưa ra thông tin giả khiến Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ ở Canada vào tháng 12-2018, báo South China Morning Post đưa tin.

Tuy các cuộc thảo luận nội bộ tập đoàn vẫn trong giai đoạn sơ bộ, trụ sở Huawei tại TP Thâm Quyến đã quyết định "điều tra tất cả các bằng chứng và biện pháp đối phó với HSBC".

Huawei đang dùng mọi biện pháp để "giải cứu" bà Mạnh, và có ít nhất năm công ty luật đang làm việc với tư cách đội ngũ pháp lý chính thức của Giám đốc tài chính Huawei.

Trong động thái mới nhất, phía bà Mạnh đã yêu cầu quyền tiếp cận các tài liệu của cơ quan phản gián nhằm cố gắng chấm dứt quá trình dẫn độ sớm nhất có thể.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu trên đường đến phiên tòa xét xử dẫn độ ở TP Vancouver (Canada) vào tháng 1. Ảnh: REUTERS

Hành động trả đũa này đã kéo HSBC vào cuộc tranh chấp pháp lý trực tiếp với tập đoàn viễn thông mạnh nhất Trung Quốc giữa lúc căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang.

HSBC đang nằm trong tầm ngắm của dư luận tại Trung Quốc sau khi các luật sư của Huawei tiết lộ các lý do và bằng chứng cho thấy bà Mạnh đã bị cáo buộc oan.

Phía Huawei cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thao túng bản chất vụ án nhằm thỏa mãn các mục đích chính trị khác. Thêm vào đó, Huawei tố cáo các thông tin phía HSBC đưa ra là "thiếu trung thực và không đầy đủ, mang tính chất định hướng dư luận".

"Trong phần trình bày của bà Mạnh Vãn Châu với HSBC về mối quan hệ của Huawei với tập đoàn Skycom Tech ở Iran không hề có bất cứ thủ đoạn lừa gạt, bỏ sót thông tin, hay đưa ra các điều kiện đặt HSBC vào tình thế nguy hiểm" - các luật sư phía Huawei phát biểu.

HSBC hôm 25-7 đã phủ nhận đưa chứng cứ ngụy tạo để ghép tội bà Mạnh: "HSBC không có bất kỳ sự thù địch nào với Huawei và cũng không hề ngụy tạo chứng cứ". Ngân hàng này cho biết họ chỉ đơn thuần cung cấp sự thật cho Bộ Tư pháp Mỹ theo yêu cầu của pháp luật.

Bà Mạnh hiện đang bị quản thúc tại gia ở TP Vancouver (Canada). Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà có thể phải đối mặt với cáo buộc gian lận ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, với mức án tù lên tới 30 năm.

Cuộc chiến pháp lý nhằm "giải cứu" bà Mạnh đã trở thành một trong những vụ kiện được theo dõi rộng rãi nhất trên thế giới và là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng trong mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Canada.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới