Bất chấp những căng thẳng ở khu vực biên giới, Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ hợp tác để chống lại chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, hãng tin Sputnik cho hay.
Ngày 27-7, bà Kê Dung, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ viết trên Twitter rằng Bắc Kinh và New Delhi nên hợp tác chống lại chủ nghĩa bá quyền của Mỹ.
"Trung Quốc và Ấn Độ nên kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi nào làm đảo chiều vòng quay lịch sử, kiên quyết chống lại chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực" - bà Kê viết.
Nhà ngoại giao Trung Quốc còn kêu gọi Bắc Kinh và New Delhi cùng nhau "quyết tâm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và công nhận hiệu lực của pháp luật quốc tế".
Đoạn tweet của bà Kê Dung, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, kêu gọi New Delhi hợp tác chống lại chủ nghĩa bá quyền Mỹ. Ảnh chụp màn hình TWITTER
Trong các đoạn tweet trước đó, bà Kê chỉ trích các chính trị gia Mỹ vẫn đang theo đuổi tư tưởng đối đầu giống như thời chiến tranh lạnh khi chủ đích ủng hộ "chính sách ngăn chặn, sự đối đầu ý thức hệ và bè phái chống Trung Quốc".
Bà Kê cho rằng chính Mỹ là "kẻ gây rối và mối đe dọa thật sự" trong cộng đồng quốc tế khi từ chối phê chuẩn các điều ước quốc tế và "áp dụng có chọn lọc pháp luật quốc tế".
Bà Kê còn nhắc lại các tuyên bố của Bắc Kinh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ pháp luật quốc tế, không lựa chọn chính sách bá quyền, mong muốn phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi với các nước.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng Ấn Độ là "một nền kinh tế mới nổi và theo đuổi sự độc lập mang tính chiến lược".
Bình luận này của phía Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Hai nước đã yêu cầu bên còn lại đóng cửa một tổng lãnh sự quán.
Ngày 23-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các đối tác thành lập liên minh chống Trung Quốc và từ bỏ chính sách ngoại giao thân thiện với Bắc Kinh đã được áp dụng từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon, khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, theo báo The Telegraph India.
Bình luận về tuyên bố của phía Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng "Mỹ thực sự phải học cách làm việc với một thế giới đa cực với nhiều hơn các thỏa thuận đa phương, bỏ qua liên minh mà nước này đã phát triển trong hai thế hệ qua".
Ngày 28-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng ông Pompeo dường như quên mất rằng "việc xúi giục hận thù và đối đầu đi ngược lại xu hướng của thời đại".
Ông Bân cho rằng Mỹ theo đuổi chính sách bá quyền trong khi "xu hướng không thể ngăn chặn được của thế giới hiện nay" là đa cực.
Trong khi đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi cũng đang căng thẳng. Giữa tháng 6, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước. Hai nước đã có nhiều bước đi hòa giải song và quân đội đã được rút dần ra khỏi điểm nóng biên giới.
Căng thẳng đang lan sang lĩnh vực kinh tế khi chính phủ Ấn Độ đã cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc và đang chuẩn bị xem xét lại các chính sách của 250 ứng dụng khác. New Delhi cáo buộc các ứng dụng trên liên quan tới các hành vi gây phương hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng của Ấn Độ.