Tờ South China Morning Post hôm 26-6 đưa tin về kế hoạch mới của chính phủ Trung Quốc nhằm đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Iran đã tạo ra những thách thức tiếp theo cho Ấn Độ sau khi căng thẳng ở biên giới vừa hạ nhiệt.
Hôm 11-7, tờ The New York Times cho biết Bắc Kinh có kế hoạch rót 400 tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng ở Iran như một phần trong kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác kinh tế và an ninh có thời hạn 25 năm giữa hai nước.
Điều này sẽ cung cấp cho Trung Quốc nguồn cung dầu ổn định với giá thấp hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối xác nhận thông tin.
Động thái này của Bắc Kinh được cho là đòn tấn công vào tham vọng lâu nay của New Delhi nhằm đầu tư vào cảng Chabahar của Iran trên Ấn Độ Dương.
Cảng Chabahar. Ảnh: ALIREZA
Kế hoạch của Ấn Độ bao gồm xây dựng một tuyến đường sắt từ cảng Chabahar đến biên giới Iran với Afghanistan, nhằm mở ra các kênh giao dịch đường biển với chi phí thấp hơn cho Ấn Độ vào Trung Á. Vì Pakistan và Trung Quốc đã chặn các tuyến đường trên đất liền.
Ngày 14-7, tờ The Hindu dẫn các nguồn thông tin từ chính phủ Iran cho biết nước này đã loại bỏ Ấn Độ khỏi dự án đường sắt Chabahar.
Tuy nhiên, Tehran đã phủ nhận việc loại bỏ Ấn Độ khỏi dự án, khẳng định không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào, đồng thời nói thêm rằng Quỹ phát triển quốc gia của Iran sẽ tài trợ cho dự án này.
Ông Claude Rakisits - phó giáo sư danh dự về ngoại giao tại Đại học Quốc gia Canberra (Úc) cho biết: “Giữa thỏa thuận thương mại Iran-Trung Quốc và việc đẩy Ấn Độ ra khỏi dự án đường sắt có sự liên kết với nhau”.
“Đây là một chiến thắng rất lớn của Trung Quốc so với Ấn Độ, đặc biệt là sau những tổn thất của Ấn Độ tại Ladakh. Tôi cũng nghi ngờ rằng Iran sẽ từ bỏ Ấn Độ để liên kết với Trung Quốc trong dự án Chabahar”, ông nói.
Chabahar nằm trên bờ biển phía nam Iran, là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế trên biển của Ấn Độ vì phần lãnh thổ Pakistan - địch thủ của Delhi nằm giữa Ấn Độ và Iran, đã ngăn chặn Ấn Độ tiếp cận thương mại với khu vực Trung Á.