Theo đó, các tay đua tranh tài tổng cộng 20 chặng thi đấu, tổng lộ trình dài 1.974 km xuất phát từ TP.HCM lên Tây Nguyên, qua miền Trung và về đến TP.HCM đúng ngày 30-4 lịch sử.
Đây là lần đầu tiên trong hành trình 29 lần tổ chức, cuộc đua chinh phục từ phía đông qua TP Đồng Xoài (Bình Phước), theo hướng Đắk Nông lên các tỉnh Tây Nguyên Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum - nơi hội tụ nhiều chứng tích lịch sử trước khi tiến về vùng đất Ba Tơ (Quảng Ngãi). Sau đó, đoàn đua đi dọc miền các tỉnh miền Trung, vào TP Phan Rang (Ninh Thuận) men theo triền đèo Sông Pha lên đến TP ngàn hoa Đà Lạt rồi về lại TP.HCM.
Sự khắc nghiệt của ngọn đèo Sông Pha luôn là yếu tố quyết định chiếc áo vàng chung cuộc Cúp Truyền hình TP.HCM. Ảnh: MQ
So với lộ trình xuyên Việt 2016 (Hà Nội - TP.HCM), độ khó về chuyên môn tại Cúp Truyền hình 2017 khắc nghiệt hơn nhiều khi lần lượt chinh phục năm ngọn đèo Măng Giang, đèo Cả, Vĩnh Hy, Sông Pha và đèo Prenn. Suốt hành trình gần 2.000 km, các tay đua thi đấu theo mức độ tăng dần độ cao (chặng 1 đến chặng 9) từ đồng bằng lên trên độ cao 600-1.200 m so với mực nước biển.
Đấy cũng là thử thách cho các tay đua trẻ lẫn những cuarơ gạo cội như áo vàng 2016 Nguyễn Trường Tài, Mai Nguyễn Hưng, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Tấn Hoài… trên đường chinh phục những đỉnh cao mới.
Tổng cộng sẽ có sáu chặng đua được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV).
Tại chặng đua đồng đội tính giờ ở Nha Trang, những mùa trước được BTC tính luôn vào thành tích cá nhân - vốn gây nhiều thắc mắc đối với người hâm mộ, đại diện BTC ông Lê Văn Phú khẳng định “Điều lệ 2017 không có thay đổi, vẫn áp dụng tính giờ cá nhân tại chặng đua đồng đội tính giờ. Đặc biệt nhằm tạo tính cạnh tranh hấp dẫn ở những chặng cuối (áp dụng từ chặng 16), VĐV gặp sự cố phải tự lực cánh sinh chạy vào tốp cuối thay vì nhận được trợ giúp của lực lượng tiếp tế hoặc BTC”.