Huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương: Đất lòng hồ lại được cấp chủ quyền

Nhiều người dân sống quanh hồ Cua Pari (Bình Dương) bức xúc với việc mới đây có hộ được huyện cấp giấy chủ quyền hàng chục ngàn mét vuông đất trong lòng hồ này. Sau đó, một hộ khác mua lại rồi tự ý san lấp, làm bờ bao các ao nuôi cá.

Bất nhất trong cấp giấy đỏ

Hồ Cua Pari được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng từ năm 1978 để phục vụ nước tưới cho những vùng đất nông nghiệp chung quanh. Nhưng kể từ khi được đưa vào khai thác thì công trình này không mang lại lợi ích kinh tế nhiều nên nay địa phương không khai thác nữa. Hồ trở thành nơi chứa nước tự nhiên. Mãi đến năm 2002, đơn vị quản lý hồ mới cắm mốc hành lang bảo vệ quanh hồ.

Trước đó nhiều năm, người dân địa phương đã khai khẩn đất, trồng cao su quanh hồ mà không làm ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan khu vực. Năm 2000, nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, hai huyện có dân khai thác đất quanh hồ đã cấp giấy đỏ cho dân. Theo đó, tất cả dân có đất quanh hồ thuộc địa bàn huyện Tân Uyên đều được cấp giấy đỏ. Riêng huyện Bến Cát chỉ cấp giấy cho một số hộ.

Huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương: Đất lòng hồ lại được cấp chủ quyền ảnh 1

Một hộ dân đã cho xe xúc đất san lấp lòng hồ Cua Pari để làm ao nuôi cá. Ảnh: THÁI HIẾU

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hồng có mảnh đất 50.000 m2 tọa lạc trên địa bàn của hai huyện. Đối với phần diện tích nằm trên huyện Tân Uyên, ông đã được cấp giấy đỏ vào năm 2000. Riêng phần diện tích còn lại thuộc huyện Bến Cát, ông chưa được cấp giấy với lý do nằm trong hành lang bảo vệ hồ. Dù vậy, có nhiều hộ xâm phạm hành lang bảo vệ hồ như ông mà vẫn được cấp giấy đỏ.

Ông Đoàn Quang Phương cũng có hơn 27.000 m2 đất quanh hồ được huyện Bến Cát cấp giấy đỏ vào năm 1996 nhưng giấy đó ghi sai tên ông. Đến khi ông xin điều chỉnh tên thì giấy đỏ mới bỏ ra ngoài hơn 11.500 m2 đất vì cho rằng phần đất này xâm phạm hành lang bảo vệ hồ v.v…

Đất công thành đất tư

Đáng nói là vào năm 2008, huyện Bến Cát đã cấp hơn 37.000 m2 đất trong lòng hồ cho hộ Trịnh Thị Phương và hộ này đã nhanh chóng bán đi. Người mua lại đã đào bới lòng hồ lấy đất đắp thành bờ ao nuôi cá.

Giải thích với PV, ông Vũ Quang Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, nơi có hộ dân được cấp đất trong lòng hồ, cho rằng xã chỉ đề xuất cấp giấy đỏ theo diện sử dụng tạm thời (10-15 năm) và sau khi thẩm định thì phòng tài nguyên và môi trường huyện đã cấp giấy.

Ông Nguyễn Tấn Nam, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cát, cho biết: “Hiện nay, đơn vị quản lý hồ là Công ty Cấp thoát nước Bình Dương chưa bàn giao hồ cho phòng quản lý. Vì thế, huyện chưa thể cấp giấy đỏ cho các hộ dân có nhu cầu do không rõ ranh giới cắm mốc hành lang bảo vệ hồ (các mốc cũ đã bị hỏng). Mới đây, tỉnh có chỉ đạo huyện xác định lại ranh giới của hồ. Sắp tới, phòng sẽ cùng công ty thực hiện việc này để có cơ sở cấp giấy đỏ cho dân. Sau khi có mốc giới, chúng tôi sẽ thu hồi các giấy cấp chưa đúng để chỉnh sửa cho phù hợp”.

Vi phạm quy định bảo vệ công trình thủy lợi

Theo ông Hồ Văn Thông, Phó Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bình Dương, mặc dù hồ không còn sử dụng nhưng công ty vẫn phải bảo quản vì đây là đất công. Việc cấp giấy đỏ cho hộ đang san lấp làm ao nuôi cá trong lòng hồ vi phạm Điều 8 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Công ty và các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã buộc ngừng thi công, đồng thời buộc hộ này phải trả lại hiện trạng trước ngày 15-5.

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm