"Người dân (Iraq và Lebanon) cũng phải biết rằng dù là nhu cầu chính đáng nhưng những yêu cầu của họ chỉ có thể được đáp ứng thông qua khuôn khổ pháp lý” - ông Khamenei đưa ra bình luận trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng tại hai quốc gia này, theo đài Al-jazeera.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi người biểu tình tại Lebanon và Iraq nên tìm kiếm những thay đổi một cách hợp pháp. Ảnh: AP
Thêm vào đó, trong bài phát biểu tại học viện phòng không Khatam al-Anbia của Iran, ông Khamenei còn cáo buộc “tình báo Mỹ và phương Tây” đã gây ra nhiều thiệt hại và góp phần tạo ra sự “hỗn loạn” tại khu vực.
"Họ đang phá hủy an ninh. Đây là hành vi thù địch tệ hại nhất, nguy hiểm nhất và cay độc nhất đối với một quốc gia" - ông khẳng định.
Bài phát biểu trên của lãnh tụ Iran được đưa ra sau khi Mỹ kêu gọi thành lập một chính phủ mới ở Lebanon có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của người dân nước này.
Al-jazeera nói rằng Washington và Tehran đang cân nhắc về cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon và nhận định rằng Lebanon “một lần nữa bị cuốn vào cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Iran".
Iran là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho lực lượng nhóm vũ trang người Shiite Hezbollah tại Lebanon, hiện đang có sức mạnh lớn trong chính phủ liên minh và Quốc hội.
Quân đội Lebanon kêu gọi người biểu tình dỡ bỏ phong tỏa các con đường bị chiếm giữ hơn hai tuần qua. Ảnh: AP
Trong khi đó, tại Iraq, hàng chục ngàn người đã xuống đường trong cuộc phản đối lần thứ hai chống lại chính phủ và giới lãnh đạo chính trị bị cho là tham nhũng và không gắn kết với người dân.
Nhiều cuộc biểu tình nói rằng lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ tại Iraq đã không được chia sẻ đầy đủ tới mọi người dân quốc gia này, hàng triệu người không được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước.
Các cuộc biểu tình lớn đã vấp phải một phản ứng mạnh mẽ từ các lực lượng an ninh. Họ dùng hơi cay, đạn cao su và đạn pháo chống lại những người biểu tình. Theo Al-jazeera, hơn 200 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ hôm bạo động bắt đầu 1-10.
Người biểu tình thu nhặt những chiếc hộp đựng hơi cay tại TP Karbala, Iraq. Ảnh: Al-jazeera
Trong những tháng gần đây, căng thẳng gia tăng giữa hai đồng minh chính của Baghdad là Washington và Tehran đã làm dấy lên lo ngại trong phần lớn người dân Iraq. Cả hai quốc gia này đều muốn có những ảnh hưởng to lớn tới chính trị và quân sự tại Iraq, theo Al-jazeera.