'Iran không che giấu điều gì sau vụ bắn nhầm máy bay Ukraine'

Ngày 13-1, hãng tin AFP nói rằng Iran đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc “giấu diếm, che đậy” về vụ bắn nhầm chiếc máy bay dân sự của Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hứa sẽ "điều tra kỹ lưỡng" về thảm kịch máy bay bị bắn hạ.

"Chúng tôi phải cố gắng để đảm bảo rằng một sự cố gây sốc như vậy sẽ không lặp lại ở bất cứ nơi nào trên thế giới" - ông Rouhani nói.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một cuộc gặp trước đây. Ảnh: IRNA

Ông Rouhani lý giải rằng thảm kịch xảy ra ngay trong thời điểm căng thẳng sau vụ việc Mỹ không kích, làm thiệt mạng Tướng Iran Qassem Soleimani ở thủ đô Baghdad, Iraq hôm 3-1.

"Tất cả chúng ta phải chung tay để đưa an ninh, hòa bình trở lại khu vực”.

Thêm nữa, trước lời yêu cầu điều tra quyết liệt từ Thủ tướng Canada Justin Trudeau: "Gia đình và người Canada sẽ không ngồi yên cho đến khi nào có câu trả lời thỏa đáng, có công lý và trách nhiệm", phía Iran nói rằng đã mời các chuyên gia đến từ Canada, Pháp, Ukraine và cả Mỹ tham gia điều tra vụ việc.

Về các cuộc tuần hành kêu gọi Iran xử lý trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ bắn rơi máy bay của Ukraine, người phát ngôn chính phủ Iran, Ali Rabiei, khẳng định: "Trong những ngày đau buồn này, nhiều lời chỉ trích đã nhắm vào các quan chức và chính quyền có liên quan. Một số cáo buộc nói rằng chính phủ nói dối và che đậy nhưng thật ra đó không phải là sự thật".

Người phát ngôn lý giải chậm trễ công bố bắn nhầm máy bay là do dựa vào những thông tin mà họ có được từ quan chức.

Người tuần hành tưởng niệm nạn nhân vụ máy bay rơi tranh cãi với cảnh sát Iran hôm 11-1. Ảnh: AFP

Giới ngoại giao Đức hôm 13-1 cũng bày tỏ lo ngại bởi có nhiều đoạn video ghi lại cảnh lực lượng an ninh Iran “trấn áp” người biểu tình, trong đó hình ảnh một người phụ nữ nằm trên vỉa hè, máu đổ xung quanh chỗ cô nằm và ai đó hét lên: “Cô ấy bị cảnh sát bắn”.

Về vấn đề này, Cảnh sát trưởng Tehran, Hossein Rahimi, cho biết các sĩ quan đã được kêu gọi “kiềm chế” trước cuộc biểu tình “bất hợp pháp” tại quảng trường Azadi hôm 12-1 vừa qua.  

"Cảnh sát đối xử với những người tụ tập bằng sự kiên nhẫn và chịu đựng” - ông Rahimi nói. "Cảnh sát hoàn toàn không nổ súng trong các cuộc tụ tập vì cảnh sát thủ đô đã nhận được lệnh cấm”.

Trước đó, Văn phòng ngoại giao Anh tại London đã triệu tập Đại sứ Iran để bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” về việc đại sứ nước này tại Iran đã bị cảnh sát giam giữ với cáo buộc tham gia biểu tình bất hợp pháp tại thủ đô Tehran hôm 11-1.

Đại sứ Iran đáp trả rằng hành động “tạm giữ” trên là "ngăn chặn ngay lập tức mọi can thiệp và khiêu khích của Đại sứ quán Anh". Iran còn cảnh báo "sẽ không bị giới hạn trong việc triệu tập đại sứ nếu vẫn còn giữ thái độ đó”.

Phía Iran cuối ngày 13-1 còn cảnh báo Anh vì "can thiệp" vào các vấn đề của nước này, đe dọa có thể trục xuất Đại sứ Anh, theo AFP.

Các hình ảnh cho thấy Iran sử dụng máy ủi tại hiện trường máy bay rơi. Ảnh: AP

Trong một diễn biến khác, về vấn đề một số hình ảnh lan truyền cho thấy máy ủi đang hoạt động tại hiện trường vụ máy bay rơi, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Hossein Salami, nói đó là giả mạo.

"Chúng tôi không chạm vào bất cứ thứ gì tại hiện trường" - Salami khẳng định. "Chúng tôi không di chuyển mảnh vỡ của máy bay, không thay đổi hiện trường, không di chuyển hệ thống phòng không và cũng không thay đổi hệ thống radar".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới