Nhà lãnh đạo Iran khẳng định nước này “đã đạt tiến bộ lớn trong việc chế tạo và phóng vệ tinh”, và rằng “những vấn đề còn lại là nhỏ, sẽ được giải quyết trong vài tháng”.
Theo báo The National ngày 17-1, tuyên bố của ông Rouhani được đưa ra sau khi Iran thực hiện ít nhất một trong hai kế hoạch phóng vệ tinh, nhưng vệ tinh này đã không vào được quỹ đạo.
Bộ trưởng Viễn thông Mohammad Javad Azari Jahromi nói tên lửa mang theo vệ tinh Payam đã không đạt được "tốc độ cần thiết" trong giai đoạn thứ ba của tiến trình phóng vệ tinh.
Ông Jahromi cho biết tên lửa đã vượt qua hai giai đoạn đầu tiên và thứ hai trước khi gặp vấn đề trong giai đoạn thứ ba. Ông không nói rõ về nguyên nhân gây ra sự cố ở tên lửa nhưng hứa hẹn các nhà khoa học Iran sẽ tiếp tục công việc.
Vụ phóng vệ tinh không thành công nói trên đã diễn ra hôm 15-1 tại Trung tâm Vũ trụ Imam Khomeini ở tỉnh Semnan, vốn do Bộ Quốc phòng Iran kiểm soát. Căn cứ vào các thiết bị tại nơi phóng, vệ tinh có khả năng rơi ở Ấn Độ Dương.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: THE NATIONAL
Iran cho biết họ có kế hoạch đưa hai vệ tinh Payam và Doosti lên quỹ đạo. “Payam” có nghĩa "thông điệp" trong tiếng Farsi, trong khi “Doosti” có nghĩa "tình bạn".
Không rõ sự thất bại của vệ tinh Payam sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời điểm phóng vệ tinh Doosti. Ông Jahromi đã viết trên trang Twitter "Doosti đang chờ lên quỹ đạo" mà không giải thích gì thêm.
Theo Reuters, ông Azari-Jahromi đã viết "Chúng ta không nên vội vã hoặc bỏ cuộc. Trong những trường hợp như thế này, người Iran chúng ta khác với những người khác về tinh thần và bản lĩnh".
Cũng theo Reuters, vệ tinh Payam được sử dụng trong thông tin liên lạc và ghi ảnh với bốn camera.
Truyền hình nhà nước Iran đã phát sóng cảnh phóng viên tường thuật về vụ phóng tên lửa Simorgh hét lên rằng đây là "thông điệp về niềm tự hào, sự tự tin và ý chí của thanh niên Iran đến thế giới".
Đoạn phim trên TV cho thấy tên lửa trở thành một điểm sáng trên bầu trời tối, chứ không phải khoảnh khắc thất bại. Ông Jahromi nhận xét vấn đề phát sinh trong giai đoạn thứ ba của vụ phóng vệ tinh, có gì đó không ổn sau khi tên lửa đẩy vệ tinh ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất.
Tên lửa “Simorgh”, có nghĩa "phượng hoàng" trong tiếng Farsi, đã được sử dụng trong các lần phóng vệ tinh trước đó. Tên lửa này lớn hơn tên lửa “Safir”, nghĩa là "đại sứ", mà Iran đã sử dụng để phóng vệ tinh trước đây.
Vệ tinh Payam được phóng vào gày 15-1. Ảnh : REUTERS
Iran thường phô diễn các thành tựu không gian vào tháng 2 trong các ngày kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 40 năm của cuộc Cách mạng trong bối cảnh Tehran phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng các kế hoạch của Iran trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo chứng tỏ sự bất chấp của Iran đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi Tehran không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhanh chóng cáo buộc Tehran gian dối và cho rằng "vệ tinh" chẳng qua để che dấu việc Iran đang phát triển "giai đoạn đầu tiên của tên lửa liên lục địa", vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Iran khẳng định các vụ phóng vệ tinh không vi phạm nghị quyết.
Trong một thập kỷ qua, Iran đã phóng một số vệ tinh có thời gian tồn tại ngắn vào quỹ đạo và vào năm 2013, Iran đã đưa một con khỉ lên vũ trụ.
Mỹ và các đồng minh lo ngại công nghệ phóng vệ tinh tương tự có thể được sử dụng để phát triển các tên lửa tầm xa có thể mang vũ khí hạt nhân.
Iran phủ nhận việc muốn có vũ khí hạt nhân. Một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã được ký kết với các cường quốc thế giới nhằm hạn chế việc làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018. Trong khi các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc nói rằng Iran đã tôn trọng thỏa thuận cho đến thời điểm này, Mỹ lại lo ngại Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium nhanh hơn.