Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10-7 cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân chính dẫn đến vụ nổ ở Natanz, và các cơ quan an ninh vẫn đang điều tra vụ việc.
“Nếu kết quả điều tra công bố cho thấy có bất kỳ 'yếu tố nước ngoài' dính líu đến vụ nổ, chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả thích đáng” - đài RT dẫn lời ông Abbas Mousavi khẳng định.
Chính phủ Iran từng cho biết họ đã xác định được nguyên nhân thực sự của vụ việc, nhưng do các cân nhắc về an ninh nên chỉ cung cấp thêm thông tin chi tiết vào "thời điểm thuận tiện".
Mặc dù được xác định không gây thương vong về người cũng như không ảnh hưởng đến vật liệu hạt nhân dẫn đến nguy cơ rò rỉ phóng xạ, nhưng vụ nổ này tiếp tục làm dấy lên quan ngại về chuỗi sự cố đang liên tiếp diễn ra tại Iran.
Nhiều báo cáo từ các hãng thông tấn đã đề cập khả năng cơ sở hạt nhân Natanz là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng từ Mỹ hoặc Israel.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng và Thủ tướng Israel tạm quyền Benny Gantz đã bác bỏ ý tưởng trên vào ngày 5-7, đồng thời cho biết nước này không thể bị đổ lỗi cho “mọi sự cố” xảy ra ở Iran.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi lại đưa ra một thông điệp khác về việc Iran không được phép phát triển năng lực hạt nhân. “Chúng tôi hành động thay cho lời nói” - ông Ashkenazi nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran trả lời về vụ nổ làm hư hại một bộ phận của cơ sở hạt nhân Natanz. Ảnh: AFP
Vào ngày 2-7, phía Iran tuyên bố rằng một sự cố chưa rõ nguyên nhân đã gây hư hại nghiêm trọng một toà nhà tại cơ sở làm giàu hạt nhân Natanz nằm ở trung tâm thành phố Isfahan. Đây là cơ sở quan trọng nhất trong chương trình phát triển hạt nhân của Iran.
Mặc dù Tehran phủ nhận việc phát triển vũ khí hạt nhân và chỉ duy trì việc sử dụng hạt nhân vì các mục đích hòa bình nhưng năng lực hạt nhân của họ vẫn bị nhiều quốc gia xem là mối đe doạ, trong đó có Mỹ và Israel.
Cơ sở Natanz từng là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng cách đây 10 năm bị tình nghi do Mỹ và Israel thực hiện.
Sáu cường quốc liên quan và Iran đã thông qua thoả thuận JCPOA vào năm 2015 nhằm điều chỉnh hoạt động hạt nhân của Iran và loại bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế vốn khiến cho nền kinh tế nước này tê liệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này từ giữa năm 2018. Để đáp trả, Teheran đã từ bỏ việc tuân thủ các giới hạn được xác lập trong thỏa thuận liên quan đến hoạt động làm giàu uranium.