Ông Mohammad Saleh Jokar, Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phụ trách các vấn đề quốc hội ngày 17-5 tuyên bố các tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh cũng có thể nằm trong phạm vi tấn công của các tên lửa tầm ngắn của Iran.
“Thậm chí ngay cả các tên lửa tầm ngắn của chúng tôi cũng có thể dễ dàng bắn các tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh”, hãng tin Fars News trích lời ông Jokar tuyên bố hôm 17-5.
Iran tiết lộ tên lửa Hormuz-1 và Hormuz-2 có khả năng phát hiện hệ thống radar của đối phương và phá hủy chúng. Ảnh: PRESS TV
Ông Jokar nói thêm rằng Mỹ không đủ khả năng duy trì một cuộc xung đột với Iran vì lý do tài chính, nhân lực và áp lực xã hội.
Tuyên bố trên từ phía Iran đẩy cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran lên một tầm mới giữa lúc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt mới, gây sức ép chính trị với Tehran và tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực.
“Iran không theo đuổi một cuộc xung đột trong khu vực, nhưng sẽ luôn bảo vệ các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ và sẽ tiếp tục làm như vậy ngay từ bây giờ”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố ngày 16-5.
Các tàu khu trục chở theo tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ gồm USS Gonzalez và USS McFaul gần đây đã gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln ở ngoài khơi bờ biển Oman trong trạng thái sẵn sàng tác chiến.
Theo RT, các tàu sân bay của Mỹ luôn được triển khai theo nhóm, vì thế hạm đội gồm các tàu nhỏ hơn của Iran khó có thể tới gần tàu sân bay Mỹ mà không bị các tàu của Mỹ phá hủy.
Iran những năm gần đây đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars, sử dụng công nghệ hồng ngoại dẫn đường để phóng đầu đạn vào các mục tiêu đang di chuyển trên biển.
Bên cạnh đó, Iran cũng công bố phiên bản Mach 4 của tên lửa Khalij Fars, Hormuz-1 và Hormuz-2 có khả năng phát hiện hệ thống radar của đối phương và phá hủy chúng.
Vịnh Persian khá hẹp đối với một nhóm tác chiến tàu sân bay. Điều này có thể cho phép Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có cơ hội tập hợp dàn tên lửa để phóng tới hạm đội gồm các tàu của Mỹ.
Tàu khu trục USS Gonzalez của Mỹ. Ảnh: RT
Iran yêu cầu dân quân ở Trung Đông chuẩn bị chiến tranh
Theo báo The Guardian, Thiếu tướng Qassem Suleimani – lãnh đạo lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, đã gặp các dân quân Iraq ở thủ đô Baghdad và nói các lực lượng này “chuẩn bị cho cuộc chiến ủy nhiệm”.
Tờ The Guardian dẫn các nguồn tin tình báo cấp cao giấu tên cho biết ông Suleimani triệu hồi các lực lượng dân quân nằm dưới sự ảnh hưởng của Tehran cách đây ba tuần trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.
Các nguồn tin xác nhận lãnh đạo của tất cả các nhóm dân quân Iraq đang hoạt động dưới “ô bảo hộ” của Đơn vị Huy động Nhân dân Iraq (PMU) đã tham dự cuộc gặp do tướng Suleimani triệu tập. Nguồn tin cho biết tướng Suleimani đã ra lệnh “chuẩn bị cho chiến tranh ủy nhiệm”.
Tuy ông Suleimani vẫn thường xuyên gặp mặt lãnh đạo của rất nhiều các nhóm phiến quân Shia ở Iraq trong vòng 5 năm qua, song tính chất và không khí trong buổi họp mặt này rất khác biệt. “Nó chưa hẳn là một hiệu lệnh ra quân, nhưng cũng gần như vậy”, một nguồn tin cho biết.
Chính cuộc gặp mặt này đã dẫn đến một loạt các động thái ngoại giao hối hả giữa Mỹ, Anh và quan chức Iraq. Họ đang tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran và lo ngại rằng Iraq có thể trở thành chiến trường cho cuộc xung đột này.
Cuộc gặp trên cũng có thể là một trong lý do khiến Mỹ quyết định rút các nhân viên ngoại giao không quan trọng tại đại sứ quán của nước này ở thủ đô Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil và nâng mức đe dọa tại các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Anh trong khi đó đã tăng mức báo động cho lực lượng của mình ở Iraq và vùng Vịnh sau khi biết về cuộc họp.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong một lễ duyệt binh năm 2011. Ảnh: AFP
Là lãnh đạo của đội quân tinh nhuệ Quds, ông Suleimani đóng vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược và việc vận hành chính của các phiến quân.
Trong suốt 15 năm qua, ông đã là người có ảnh hưởng lớn nhất trong mối quan hệ giữa Iran với Iraq và Syria, dẫn đầu nỗ lực của Tehran trong việc hợp nhất hóa các lực lượng đại diện cho Iran ở cả hai nước này, và cố gắng tái hình thành khu vực theo hướng có lợi cho Iran.
Hậu quả xung đột Mỹ-Iran không tính hết được
Hậu quả của bất kỳ xung đột vũ trang nào giữa Mỹ và Iran là “không thể tính hết được”, đó là nhận xét của ông James Jatras, nhà cựu ngoại giao Mỹ và cố vấn chính sách cho đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, theo RT.
“Đặc biệt là Israel, nước mà tất cả chúng ta đều biết sở hữu vũ khí hạt nhân, mặc dù tôi nghi ngờ khả năng họ sử dụng loại vũ khí này trừ khi họ thực sự cảm thấy bị đe dọa tới sự sống còn”, ông Jatras cho biết.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc “sẽ thật ngớ ngẩn nếu chỉ ngồi yên một chỗ nhìn Mỹ hạ một quân cờ khác khỏi bàn cờ”, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Moscow không tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Washington và Tehran.