Giờ đây, khi ngày thất thủ của thành phố giáp biên giới Thổ này chỉ còn là vấn đề thời gian và IS đang cho thấy quyết tâm tiến đến Châu Âu của mình không còn là lời nói suông thì câu hỏi được đặt ra ở đây là ai sẽ ngăn chặn lực lượng này?
Trước đó, ngày 6-10, tờ Dailymail đã đăng loạt ảnh cho thấy xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dàn hàng ngang và sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào nếu lực lượng IS tiến sát biên giới.
Dàn xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ phòng thủ biên giới (Ảnh: Dailymail)
Mặc dù đã được sự đồng ý từ quốc hội để tiến hành các chiến dịch chống IS nhưng cho đến nay Ankara (thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn “án binh bất động” và không làm gì hơn là kêu gọi liên minh “mở mặt trận trên bộ” nhưng lại không có sự tham gia của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (!?) Chính điều này đã làm hàng ngàn người Kurd tức giận dẫn đến biểu tình bạo động suốt nhiều ngày qua.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thái độ “bình chân như vại” của Ankara trước tình hình nước sôi lửa bỏng ở biên giới như truyền thống không can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, ưu tiên lật đổ ông Assad hay sự phản đối của dư luận trong nước. Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất khiến Ankara bỏ rơi hàng ngàn người Kurd ở biên giới chính là hiểm họa tự trị từ đảng Công Nhân Người Kurd (PKK).
Cờ của IS tung bay ở phía Đông Kobani (Ảnh: AFP)
PKK được thành lập năm 1978, đấu tranh vũ trang cho một Kurdistan tự trị và quyền chính trị , văn hóa của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này đã bị liệt kê là một tổ chức khủng bố trên quốc tế bởi các quốc gia và tổ chức, bao gồm Liên hiệp quốc, NATO, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Do đó, việc để cho hàng trăm ngàn người Kurd tị nạn trong lãnh thổ của mình hay đưa quân giải nguy cho Kobani chả khác nào “cõng rắn cắn gà nhà” nên Ankara đến lúc này vẫn phó mặc chiến cuộc cho người Kurd và liên minh.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, sau thời gian đầu bỡ ngỡ trước các cuộc không kích ồ ạt của liên quân, giờ đây lực lượng IS đã thay đổi chiến thuật nhằm tránh tổn thất. Nhà phân tích Matthew Hoh của trung tâm nghiên cứu Chính Trị Quốc Tế tại Washington cho rằng chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu đã thất bại trong việc tiêu diệt IS và chỉ có thể làm chậm bước tiến của chúng. Một chiến dịch hiệp đồng binh chủng phối hợp giữa bộ binh và không quân mới là kế sách hiệu quả để ngăn chặn cũng như tiêu diệt tổ chức khát máu này.
Người Mỹ và đồng minh cần đưa bộ binh trở lại Trung Đông (Ảnh: Reuters)