Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely ngày 15-8 thông báo với đài CNN về quyết định "cấm cửa" hai nữ Nghị sĩ Rashida Tlaib (bang Michigan) và Ilhan Omar (bang Minnesota).
Thông báo trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Trump nói rằng Israel sẽ để lộ "điểm yếu lớn" nếu cho phép hai nghị sĩ trên vào nước này.
"Nó sẽ cho thấy sự yếu kém lớn nếu Israel cho phép các nghị sĩ Omar và Tlaib đến thăm", ông Trump viết trên Twitter. "Họ không ưa Israel và tất cả người Do Thái, và không có gì có thể nói hoặc làm để thay đổi suy nghĩ của họ”.
Twitter của ông Trump nói rằng Israel sẽ lộ điểm yếu lớn nếu cho phép hai nữ nghị sĩ này vào nước này. Ảnh: Twitter
Về phần mình, khi ban hành lệnh cấm, Israel đã viện dẫn lý do hai nữ nghị sĩ này ủng hộ việc tẩy chay Israel.
"Kế hoạch của hai nữ nghị sĩ Mỹ này chỉ gây thêm thiệt hại và chống lại Israel mà thôi”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói sau khi quyết định trên được đưa ra.
"Nhà nước Israel tôn trọng Quốc hội Mỹ trong khuôn khổ liên minh chặt chẽ giữa hai nước, nhưng Israel sẽ không cho phép những người tìm cách làm tổn hại Nhà nước Israel, ngay cả trong một chuyến thăm, vào nước chúng tôi", Bộ trưởng Nội vụ Aryeh Deri, người có quyền cao nhất đưa ra quyết định nhập cảnh, nói trong một tuyên bố.
Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman cho biết Mỹ "ủng hộ và tôn trọng" quyết định của Israel về việc cấm hai nghị sĩ Tlaib và Omar nhập cảnh nước này.
"Chuyến đi này, đơn giản, không gì khác hơn là một nỗ lực để thúc đẩy động cơ (tẩy chay) mà các nghị sĩ Tlaib và Omar rất ủng hộ", ông Friedman nói.
Trước đó, CNN nói rằng Tổng thống Trump đã chỉ trích hai nữ nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội với những từ ngữ khắc nghiệt.
Bà Omar ngay lập tức phản ứng với lệnh cấm trên, gọi đó là "một sự đối đầu" và "là sự xúc phạm đến các giá trị dân chủ".
"Rõ ràng Thủ tướng Israel Netanyahu, dưới sức ép của Tổng thống Trump, từ chối cho các nghị sĩ nhập cảnh Israel. Lệnh cấm người Hồi giáo của ông Trump là những gì Israel đang thực hiện, lần này là chống lại hai thành viên được bầu chọn hợp pháp của Quốc hội Mỹ” - bà Omar nói trong một tuyên bố.
Bà Omar nhấn mạnh: “Là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tôi có nhiệm vụ giám sát viện trợ nước ngoài từ Mỹ và bảo đảm các hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới”.
Nữ Nghị sĩ Ilhan Omar (bang Minnesota) là một trong hai thành viên Quốc hội Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Israel. Ảnh: REUTERS
Lệnh cấm này đã gặp phải sự phản ứng nhanh chóng từ các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ tại Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Bà bày tỏ "rất buồn lòng" trước tin này.
"Việc Israel từ chối cho hai nghị sĩ Tlaib và Omar là một dấu hiệu của sự yếu đuối và dưới mức phẩm giá của Nhà nước Israel vĩ đại" - Pelosi nói.
Theo kế hoạch, hai nữ nghị sĩ sẽ gặp các nhà hoạt động vì hòa bình của Israel và Palestine, cũng như đại diện của các tổ chức nhân quyền. Họ cũng đến thăm Jerusalem, Bethlehem, Ramallah và Hebron. Các nhà tổ chức cho biết họ không có kế hoạch gặp gỡ quan chức Israel.
Nghị sĩ Rashida Tlaib (bang Michigan) là người Mỹ gốc Palestine đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, nữ nghị sĩ Tlaib, người Mỹ gốc Palestine đầu tiên trong Quốc hội, dự định ở lại thêm hai ngày nữa để thăm bà ngoại sống ở một ngôi làng ở Bờ Tây, theo CNN.