Israel đã lắp đặt một hệ thống máy bơm lớn có thể dùng để đưa nước biển vào làm ngập mạng lưới đường hầm rộng lớn của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine), tờ The Wall Street Journal ngày 4-12 dẫn lời một số quan chức Mỹ đưa tin.
Một phương án khả dĩ để Israel tiêu diệt Hamas?
Lực lượng Phòng vệ Israel đã hoàn thành lắp đặt ít nhất 5 máy bơm lớn cách trại tị nạn Al-Shati ở Dải Gaza hơn 1 km về phía bắc vào khoảng giữa tháng trước. Mỗi chiếc máy bơm có thể hút nước từ biển Địa Trung Hải và xả hàng nghìn mét khối nước mỗi giờ khiến các đường hầm Hamas có thể bị ngập trong vòng vài tuần.
Lần đầu tiên Israel thông báo cho Mỹ về phương án này là vào đầu tháng trước, làm dấy lên các tranh luận ở Washington về mức độ khả thi và giá trị quân sự của kế hoạch. Hiện các quan chức Mỹ cho biết họ không rõ Israel đã làm đến đâu trong việc thực hiện kế hoạch này cũng như Israel có quyết định tiến hành kế hoạch hay không.
Các quan chức Mỹ cho rằng hành động như vậy sẽ đặt chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thế khó và có thể khiến toàn cầu lên án, nhưng nói rằng đây là một trong số ít lựa chọn hiệu quả để vô hiệu hóa vĩnh viễn hệ thống đường hầm Hamas ước tính dài khoảng 480 km.
Theo một nguồn tin Mỹ biết về kế hoạch, quá trình làm ngập các đường hầm kéo dài vài tuần sẽ khiến lính Hamas và có thể là các con tin di chuyển ra ngoài nhưng vẫn không chắc chắn về độ hiệu quả.
“Chúng tôi không chắc việc bơm nước vào sẽ thành công đến mức nào vì không ai biết chi tiết về các đường hầm và đất xung quanh nó. Không thể biết liệu điều đó có hiệu quả hay không vì chúng tôi không biết nước biển sẽ thoát ra sao trong những đường hầm chưa từng có ai đi vào này” - theo nguồn tin này.
Một quan chức của Lực lượng Phòng vệ Israel từ chối bình luận về kế hoạch trên nhưng cho biết lực lượng Israel đang nỗ lực triệt phá khả năng của Hamas bằng nhiều cách khác nhau, sử dụng các công cụ quân sự và công nghệ.
Nhiều nguy cơ nếu Israel bơm nước vào đường hầm Hamas
Ông Jon Alterman - phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ, nghiên cứu về các vấn đề quốc tế) - nói rằng vì không rõ độ thấm của đường hầm, lượng nước biển thấm vào đất ảnh hưởng ra sao nên khó có thể đánh giá đầy đủ tác động của việc bơm nước biển vào đường hầm Hamas.
“Thật khó để đánh giá việc bơm nước biển sẽ ảnh hưởng gì đến nguồn nước hiện tại, cơ sở hạ tầng chứa nước thải, nguồn nước ngầm cũng như sự ổn định của các tòa nhà gần đó” - ông Alterman nói.
Ông Wim Zwijnenburg, người đã nghiên cứu tác động của chiến tranh đến môi trường ở Trung Đông, hiện làm việc ở Tổ chức hòa bình PAX (Hà Lan), cho rằng giả sử khoảng 1/3 mạng lưới đường hầm Hamas đã bị hư hại, thì Israel sẽ phải bơm khoảng 1 triệu mét khối nước biển để vô hiệu hóa những phần đường hầm còn lại.
Cạnh đó, tầng nước ngầm ở Gaza, nơi người dân lấy nước sinh hoạt, đã trở nên mặn hơn do mực nước biển dâng cao, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy khử muối để người dân có thể có nước sạch.
Như vậy, theo ông Zwijnenburg, việc bơm nước biển vào đường hầm gây ngập sẽ ảnh hưởng đến vùng đất vốn đã nhiễm mặn này và các chất độc hại trong hầm có thể thấm vào lòng đất, càng gây ô nhiễm, tác động xấu đến sức khỏe người dân.
Ai Cập vào năm 2015 đã sử dụng nước biển để làm ngập các đường hầm do những kẻ buôn lậu vận hành bên dưới cửa khẩu biên giới Rafah với Dải Gaza, khiến nông dân ở khu vực lân cận phàn nàn rằng điều này đã tác động đến mùa màng của họ.