Kabul thất thủ và lợi ích của Mỹ-Nga-Trung Quốc

Ngày 15-8, Taliban đã phát đi tuyên bố chiến thắng, kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Những nhà ngoại giao của các nước lớn đã ngay lập tức đối thoại với nhau nhằm giúp tìm ra giải pháp cho tương lai của Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị đã có các cuộc điện đàm song phương với nhau. Cả ba cam kết đảm bảo liên lạc và hợp tác quốc tế để hỗ trợ Afghanistan xây dựng một chính quyền mới với sự tham gia của đầy đủ các lực lượng chính trị ở nước này. Tuy nhiên, chưa biết mức độ hợp tác cụ thể sẽ tới đâu khi vẫn còn đó những khác biệt về lợi ích giữa Mỹ, TQ và Nga liên quan đến tương lai của Afghanistan.

Mỹ: Giảm thiểu các mối đe doạ từ Taliban

Tờ Politico tổng hợp ý kiến từ nhiều cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định rằng Washington cần duy trì quan hệ với các đồng minh và đối tác, xây dựng một chính sách chống khủng bố chung để gửi thông điệp rõ ràng tới Taliban - lực lượng vẫn bị Washington và Liên Hợp Quốc coi là khủng bố. Mỹ cũng nên tham gia các nỗ lực ngoại giao, ngay cả với TQ và Nga, để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh phát sinh từ Afghanistan. 

Một trực thăng CH-47 Chinook sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi ĐSQ ở Kabul (Afghanistan) hôm 15-8. Ảnh: AP

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong hai ngày 15-8 và 16-8, Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với hàng loạt lãnh đạo ngành ngoại giao của TQ, Nga, các đồng minh và đối tác ở châu Âu, Trung Đông, Nam Á… Trong các cuộc gọi này, ông Blinken đều nhắc tới vấn đề Afghanistan - nhất là kế hoạch di tản công dân Mỹ và những người Afghanistan “dễ bị tổn thương” khỏi Kabul.

Bà Lisa Curtis, cố vấn về Trung và Nam Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (2017-2021), cho rằng chiến dịch di tản là ưu tiên trước mắt của Mỹ. Washington đã đưa một lượng lớn nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Kabul về nước và để lại một phần nhân lực hỗ trợ công tác di tản trong thời gian tới. Phía Mỹ cam kết sẽ đưa “nhiều nhất có thể” những người Afghanistan thuộc diện di tản tới Mỹ hoặc một nước thứ ba.

Bà Curtis cũng cho rằng Mỹ nên ra điều kiện để Taliban được công nhận là lãnh đạo hợp pháp tại Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhiều lần nhắc lại yêu cầu Taliban không được trả thù những người từng làm việc cho chính quyền Afghanistan đã sụp đổ, bảo đảm nhân quyền - nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em gái - và đoạn tuyệt và không dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Còn bà Laurel Miller, cựu quyền Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan và Pakistan (2013-2017), cho rằng chính quyền Washington nên giữ quan điểm “trung lập” và chờ xem cách hành xử của Taliban.

Nga: Củng cố, mở rộng vị thế

Ông Paul Goble, chuyên gia về các nước từng thuộc Liên Xô, cho rằng tất cả các nước trong khu vực - kể cả Nga và TQ - đều nhận thấy cần gác lại một số xung đột truyền thống, tập trung giải quyết thách thức an ninh chung do biến động ở Afghanistan gây ra.

Tương tự Mỹ, Nga coi chống khủng bố là nền tảng trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, Moscow đã đối thoại với Taliban dù vẫn coi đây là tổ chức khủng bố. Trong năm nay, các phái đoàn Taliban đã hai lần tới Moscow. Điện Kremlin được cam kết rằng một chiến thắng của Taliban sẽ không đe dọa Nga hay các đồng minh của Moscow ở Trung Á.

Ít nhất cho tới hiện tại, Taliban đã giữ được lời hứa này. Nga là một trong số ít các nước còn duy trì ĐSQ tại Kabul và không phải di tản nhân viên ngoại giao. Ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, đã nhắc tới khả năng Moscow công nhận chính quyền của Taliban, nói điều này sẽ phụ thuộc vào “hành vi của chính quyền mới”.

Ngoài ra, Nga đã nâng cấp các căn cứ quân sự của nước này tại Trung Á, tổ chức tập trận với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Tuy nhiên, quy mô của CSTO còn hạn chế, ít nhất là không bao gồm Turkmenistan - quốc gia mà TS Stanislav Pritchin thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho là có đoạn đường biên “yếu nhất” trên biên giới Afghanistan. TS Fabio Indeo thuộc Quỹ Đại học Phòng vệ NATO (Ý) cũng chia sẻ quan điểm tương tự về biên giới Afghanistan-Turkmenistan.

Truyền thông Nga nêu ra ý tưởng mở rộng CSTO - bằng cách thuyết phục cả Turkmenistan lẫn thành viên cũ là Uzbekistan - và tăng cường bảo vệ Trung Á qua khuôn khổ này. Tuy nhiên, trở ngại với Moscow là chính sách “trung lập vĩnh viễn” mà Turkmenistan đã theo đuổi từ những năm 1990 tới nay.

Trung Quốc: Không để Tân Cương chao đảo

Chuyên gia Andrew Small, thành viên tổ chức nghiên cứu Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, cho rằng một trong những ưu tiên của TQ trong quan hệ với Taliban sẽ liên quan tới các tay súng ly khai ở khu tự trị Tân Cương. Khi đối thoại với Taliban hay trong các nỗ lực ngoại giao sau khi Taliban chiến thắng, TQ cũng luôn nhắc tới Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - tổ chức hoạt động chủ yếu ở Afghanistan, đòi Tân Cương tách khỏi TQ. 

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị gặp ông Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những lãnh đạo cao cấp của Taliban hôm 28-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tạp chí The Diplomat cho rằng dù Taliban thực sự đoạn tuyệt với ETIM - điều mà giới phân tích cho là ít có khả năng xảy ra - thì chiến thắng của Taliban cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các lực lượng nổi dậy, ly khai Hồi giáo ở TQ. Ông Phan lưu ý rằng TQ đã bắt đầu hợp tác chống khủng bố với các nước trong khu vực để ngăn chặn nguy cơ bất ổn từ Afghanistan.

Hôm 16-8, TQ hoan nghênh lời cam kết của Taliban về việc không cho phép lực lượng nào lợi dụng Afghanistan để gây rối TQ và hy vọng Bắc Kinh tham gia nhiều hơn vào “tiến trình hòa bình và hỏa giải”, “tái thiết và phát triển kinh tế” ở Afghanistan thời hậu chiến. Tuy nhiên, TQ sẽ không một mình gánh hết trách nhiệm hỗ trợ tái thiết Afghanistan. Chuyên gia Phan Quang thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải (TQ) nêu rõ rằng dù đã “bỏ chạy” khỏi Afghanistan, Mỹ cần “có trách nhiệm xây dựng lại đất nước và cung cấp hỗ trợ” cho Afghanistan.

Chuyên gia Raffaello Pantucci thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng TQ sẽ không vội vàng thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước thâm nhập vào thị trường Afghanistan do lo ngại những bất ổn mới ở đây. Trong tương lai, có vẻ Bắc Kinh nhận thức rằng Afghanistan là một môi trường có rủi ro rất cao và không có ý định sa lầy ở đây, theo tờ The Guardian.

TQ cần nhìn thấy một Afghanistan ổn định trước khi có các quyết định kinh tế lớn. Sự ổn định của Afghanistan còn ảnh hưởng tới nhiều lợi ích kinh tế khác của Bắc Kinh, là chìa khóa để bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng của TQ ở Pakistan - láng giềng phía nam của Afghanistan, có quan hệ sâu sắc với Taliban và là đồng minh của TQ.

Hiện nay - tại Afghanistan, Taliban đang liên hệ với các quan chức của chính quyền Kabul còn ở trong nước để đàm phán xây dựng chính quyền mới. Mỹ, Nga, TQ, cũng như các nước lớn khác, chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến mới ở Afghanistan để có những bước đi phù hợp bảo đảm lợi ích của từng nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm