Kê khai tài sản gian dối: Coi chừng mất chức!

Nội dung đáng quan tâm trong dự thảo thông tư này là khi nào thì tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ cũng như hậu quả pháp lý của việc xác minh. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, xoay quanh nội dung này để góp thêm cho việc hoàn thiện thông tư.

. Phóng viên: Dự thảo thông tư quy định một trong những trường hợp phải tiến hành xác minh bản kê khai tài sản của quan chức là “khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý”. Ông nhìn nhận thế nào về quy định này?

Kê khai tài sản gian dối: Coi chừng mất chức! ảnh 1

+ PGS-TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh): Quy định như thế là còn chung chung. Phải làm rõ nội hàm “căn cứ” trong quy định này cụ thể là gì. Vì nếu không cụ thể được “căn cứ” đó ra sao thì khi đi vào thực hiện sẽ không biết căn cứ vào đâu để cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm là hợp lý hay không hợp lý.

Thông tin báo chí là một căn cứ

. Dự thảo cũng quy định việc xác minh bản kê khai tài sản được thực hiện khi có tố cáo về việc quan chức không trung thực, tuy nhiên yêu cầu người tố cáo phải nêu rõ danh tính. Quy định như vậy liệu có dẫn đến những trở ngại cho người tố cáo, thưa ông?

+ Đúng là hiện nay có tình trạng ngại tố cáo tiêu cực trong nội bộ, nhất là của lãnh đạo cơ quan vì sợ bị trù dập trả thù. Tuy nhiên, khi ta tiến tới một nhà nước pháp quyền, xã hội minh bạch thì cái gì cũng phải rõ ràng. Ngay cả việc tố cáo sai phạm, tiêu cực cũng phải thế. Cho nên quy định người tố cáo phải nêu rõ danh tính cũng là phù hợp. Nếu không, vì một cái tin nhắn không biết cụ thể của ai hoặc một lá đơn không rõ địa chỉ mà tiến hành cả một quy trình xác minh là rất mất sức và rối.

Kê khai tài sản gian dối: Coi chừng mất chức! ảnh 2

Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo. Các quy định giữ bí mật về nhân thân của người tố cáo cũng như các quy định khác bảo vệ người tố cáo phải được tuân thủ một cách chặt chẽ.

. Theo ông có nên xem thông tin phản ánh trên báo chí về sự không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ là một căn cứ để tiến hành xác minh?

+ Điều này theo tôi là được. Nếu một bài báo phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ nào đó được đăng công khai, chính thống thì cần phải xem đó là căn cứ để tiến hành xác minh. Vì bài báo là kết quả tìm hiểu, điều tra của người viết và đã được cơ quan báo chí thẩm định thông tin trước khi đăng tải. Nó không phải là trường hợp tố cáo nặc danh vì có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng. Cho nên cơ quan có thẩm quyền cần xem đây là một căn cứ để tiến hành việc xác minh, làm rõ.

Lật lại bản kê khai của giám đốc nhận lương khủng

. Vừa qua ở TP.HCM phát hiện một số giám đốc công ty công ích nhận lương khủng. Có thể xem đây là căn cứ để lật lại, đối chiếu với bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ đó và tiến hành xác minh, xử lý?

+ Đương nhiên, khi anh kê khai thế này mà sau này phát hiện như thế kia là anh kê khai không trung thực rồi. Những ông giám đốc này đều thuộc diện phải kê khai tài sản và có lẽ là không bao giờ ông giám đốc ấy tự kê khai lương của ổng một năm 2,6 tỉ đồng cả.  Từ việc này, cơ quan chức năng phải vào cuộc để truy lại sự không trung thực đó để xác minh, xử lý trách nhiệm.

. Thế còn trường hợp mất trộm tiền tỉ ở nhà quan thì sao, có tiến hành xác minh làm rõ tình trạng thu nhập của cán bộ đó hay không?

+ Không nên như thế. Tôi nghĩ đây là hai việc khác nhau. Như đã nói ở trên, chúng ta cần tiến tới một xã hội pháp quyền, nghiêm chỉnh, văn minh chứ không phải xã hội mafia. Các quy định của pháp luật cũng phải rõ ràng như vậy, không chồng chéo, nhập nhằng. Việc nhà cán bộ mất trộm thì cần để công an tiến hành xác minh làm rõ. Còn việc xác định căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập của anh cán bộ đó thì nên tuân theo một quy trình khác. Nếu ta nhập nhằng chuyện này, không khéo lại dẫn đến tình trạng “có trộm” nhà quan thì mới biết thế nào để đến tiến hành xác minh. Không nên như thế.

Xử lý con người khác xử lý tài sản

. Theo dự thảo thông tư, nếu quan chức kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì nặng nhất là bị cách chức. Còn việc xử lý khối tài sản sai phạm và cá nhân đó ở các bước tiếp theo thì chưa thấy đề cập. Như vậy liệu đã đủ để chống tham nhũng, thưa ông?

+ Tôi nghĩ đây cũng là hai chuyện khác nhau. Vì nội dung thông tư này chỉ dừng lại ở chuyện xử lý người kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực. Kê khai, giải trình không trung thực không đồng nghĩa với tham nhũng. Và chuyện xử lý tài sản và bản thân người sai phạm tiếp sau đó thì theo một quy trình khác.

Tuy nhiên, ở đây cũng nên thòng thêm nội dung với đại ý là: Khi đã kết luận người kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì sẽ tiến hành xác minh nguồn gốc của toàn bộ khối tài sản. Nếu phát hiện nguồn gốc tài sản mờ ám, có sai phạm thì chuyển cơ quan có chức năng xử lý. Điều này cần phải rành mạch, từng bước như thế. Có vậy mới công bằng, khách quan.

. Mới đây, nhiều ý kiến cho rằng với những trường hợp quan chức giàu bất thường thì có thể xem là dấu hiệu để các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng vào cuộc làm rõ. Ý kiến của ông thế nào?

+ Vấn đề ở đây là làm thế nào để biết giàu bất thường? Tôi nghĩ phải có bằng chứng mang tính chất pháp lý để xác định chứ không phải chỉ căn cứ bề ngoài rồi nói họ giàu bất thường, hay như kiểu từ việc mất trộm mà nói người ta giàu bất thường thì cũng chưa hẳn. Ở đây các chuyên gia quốc tế đang khuyến cáo ta một vấn đề ở tầm vĩ mô là quản trị quốc gia. Tức Việt Nam cần phải có hệ thống, công cụ để kiểm soát được thu nhập thường xuyên của cán bộ, quan chức, qua đó phát hiện sai phạm, tiêu cực một cách chính xác hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Điều 26: Xử lý vi phạm về kê khai, giải trình nguồn gốc không trung thực

Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật như sau:

a) Đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm;

b) Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức;

c) Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

d) Đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

đ) Đối với người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc QĐND, CAND áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật trong QĐND, CAND.

(Trích Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập)

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm