Khách hàng đang phải gánh chi phí cho các cây xăng?

(PLO)- Nhà nước đã quy định "cứng" chi phí và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng cho đại lý xăng dầu, toàn bộ chi phí này đều do người tiêu dùng chịu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Khách hàng đang phải gánh chi phí cho các cây xăng?

Mấy ngày gần đây, nhiều đại lý xăng dầu than lỗ do mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là âm nên khiến càng bán càng lỗ. Trên trang Diễn đàn xăng dầu với gần 29.000 thành viên tham gia, nhiều ý kiến đề nghị kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ hoặc kêu gọi đóng cửa vì không thể gồng lỗ mãi.

Chủ một cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, cho biết mức chiết khấu hiện rất thấp. Cụ thể, ngày 19-8 vừa qua, một công ty xăng dầu đã gửi thông báo cho thương nhân phân phối với nội dung chiết khấu chỉ 0 đồng. Với mức chiết khấu này, chưa kể chi phí vận hành thì 1 lít xăng bán đến người tiêu dùng cửa hàng lỗ khoảng 1.500 đồng, còn dầu lỗ 3.000 đồng/lít.

“Từ khi xăng dầu giảm liên tục, trung bình cửa hàng lỗ 10-15 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn nếu bán ra nhiều. Hiện nay các đại lý đang cố gắng cầm cự bán cho hết hàng để xin tạm đóng cửa vì quá lỗ” - chủ cửa hàng nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, thực tế mỗi lít xăng bán ra cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước đã quy định chi phí định mức cứng từ 1.000-1.200 đồng/lít, và mỗi lít xăng bán ra, đại lý được hưởng ngay 300 đồng lợi nhuận. Có nghĩa là người tiêu dùng đã gánh chịu khoản chi phí từ 1.300-1.500 đồng/lít để hỗ trợ cho hoạt động của đại lý xăng dầu.

Trong khi đó, đại lý xăng dầu lấy hàng từ đầu mối sẽ hưởng thêm phần phí hoa hồng (chiết khấu). Tùy vào nguồn hàng nhập giá rẻ và thỏa thuận sản lượng lấy hàng thì đầu mối trích hoa hồng nhiều hay ít cho đại lý. Mức hoa hồng này chắc chắn khiến đôi bên cùng có lợi để duy trì mối quan hệ hợp tác kinh doanh.

Trên trang Diễn đàn xăng dầu, có ý kiến khá thú vị rằng cứ đến gần ngày điều chỉnh giá xăng, nếu dự báo giá xăng hạ sẽ được chiết khấu cao, nếu dự đoán giá xăng tăng thì chiết khấu giảm hoặc về 0.

Điều này có thể hiểu rằng, nếu giá xăng hạ, đầu mối tăng chiết khấu để khuyến khích đại lý lấy nhiều hàng hơn và ngược lại. Mục đích để đầu mối tăng lợi nhuận và đẩy cái khó về cho người tiêu dùng hoặc đại lý xăng dầu.

Thế nhưng, đại diện một số công ty phân phối xăng dầu ở TP.HCM cho biết giá cơ sở nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện nay nên dù có chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức nhưng cũng không đủ bù lỗ. Vì vậy có những đơn vị đầu mối thà bị phạt còn hơn ngậm lỗ một tàu mấy chục tỉ đồng.

"Các công ty đầu mối của Nhà nước dù lời hay lỗ thì bắt buộc họ vẫn phải nhập nên vẫn bán bình thường, trong khi đó các đơn vị đầu mối tư nhân rất cân nhắc việc nhập. Trong bối cảnh càng bán càng lỗ, công ty đầu mối không dám đưa hàng ra nhiều nên buộc phải tính toán lại mức chiết khấu còn 100 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng” - vị đại diện một công ty xăng dầu đầu mối lớn ở TP.HCM giải thích.

Bên cạnh đó, ngân hàng siết chặt tín dụng khiến một số công ty đầu mối nhỏ khó khăn về tài chính. Giải pháp lúc này, theo ý kiến của DN là Nhà nước xem xét, kiểm tra các loại thuế, chi phí, lợi nhuận định mức… trong kinh doanh xăng dầu để có sự điều chỉnh phù hợp.

Hiện giá xăng nhập đang có xu hướng tăng và các nhà kinh doanh buôn bán xăng dầu dự đoán giá xăng trong nước sẽ tăng vào kỳ điều chỉnh xăng trong nước tới đây.

Trong khi đó, Bộ Công thương đã chuyển kỳ điều chỉnh xăng từ ngày 1-9 sang ngày 5-9 do vướng ngày nghỉ lễ.

Việc này là theo quy định của pháp luật nhưng điều chỉnh quá chậm và không bám sát theo diễn biến thị trường có thể cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng các cửa hàng xăng dầu dọa đóng cửa, nghỉ bán.

Phiên giao dịch hôm nay (27-8), theo dữ liệu của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn đang tiệm cận 116 USD/thùng. Mức giá này tương đương ngày 20-7, khi đó giá xăng trong nước ở mức 29.675 đồng/lít.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm