“Hiện chúng tôi tiếp tục thực hiện, chuẩn bị thực hiện việc nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ của TP.HCM như quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, quốc lộ 22… Ngoài ra, chúng tôi cũng dồn sức để hoàn thành các hạng mục còn lại của các tuyến tỉnh lộ 10, 10B” - ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM hôm 13-10.
Ông Cường còn cho hay từ đây đến cuối năm TP.HCM sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Rạch Chiếc mới trên đường Vành đai 2 (còn gọi là đường Vành đai Đông, quận 9). Khi cầu này được đưa vào sử dụng sẽ nối thông đường vận chuyển hàng hóa từ Khu Công nghệ cao TP (quận 9) về các cảng biển ở Cát Lái (quận 2) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Việc này góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên các tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ và tuyến xa lộ Hà Nội.
Kết nối các trục giao thông huyết mạch
Tuyến tỉnh lộ 10B (dài gần 6 km) kết nối từ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) rồi nhập vào tỉnh lộ 10 (dài khoảng 8 km) tạo thành một trục giao thông quan trọng kết nối các khu công nghiệp ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với các khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM). Tuyến đường còn tạo thêm một trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây, chia bớt lượng xe hằng ngày chen chúc trên quốc lộ 1 hiện đang quá tải.
Theo ông Cường, hai dự án này không hoàn thành kịp tiến độ do vướng mặt bằng nhưng Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đang tập trung để đưa vào sử dụng trong năm 2015. Ông Cường nói: “Ở khu vực cửa ngõ phía Tây này, chúng tôi còn đàm phán với nhà đầu tư để nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp ranh Long An dài khoảng 9,7 km”.
Đường Phạm Văn Đồng đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: HTD
Giám đốc Sở GTVT cũng cho hay đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp 9 km mặt đường của tuyến quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến An Sương. Cạnh đó, TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, giao cho UBND TP chủ trì kêu gọi đầu tư toàn tuyến quốc lộ 22 (dài khoảng 58,5 km, kể cả đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 28,5 km).
“Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã đề nghị đầu tư mở rộng toàn tuyến quốc lộ 22 theo hình thức BOT. Chúng tôi đang tính toán, đề nghị gộp dự án xây dựng cả hầm chui nút giao An Sương vào dự án trên. Tương tự, TP.HCM cũng đàm phán được với Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) để đơn vị này ứng vốn giải tỏa phần còn lại của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Đoạn này dài khoảng 5 km có đi qua tỉnh Bình Dương và đến nút giao Tân Vạn. Với kết quả đàm phán này, dự kiến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội sẽ hoàn thành trong năm 2017, thay vì 2018” - ông Cường thông tin.
Nối thông nhiều khu vực
Trong tuần tới Sở GTVT sẽ tổ chức buổi động thổ khởi công 2,7 km đoạn nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ông Cường khẳng định trong năm nay, tuyến đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng được khởi công. Đây cũng là một công trình trọng điểm của TP, được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (hình thức BT).
“Cách đây vài ngày, Sở GTVT đã đưa vào sử dụng cầu Gò Dưa (nhánh cầu từ quận Thủ Đức vào sân bay Tân Sơn Nhất) và nhánh đường từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (là Phạm Văn Đồng hiện nay). Dự án này dài gần 14 km và đến nay đã được khai thác hơn 12 km. Chúng tôi đang chờ quận Tân Bình bàn giao mặt bằng để có thể hoàn tất toàn dự án trong năm 2016” - ông Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm, Sở GTVT còn đang đàm phán với nhà đầu tư rồi bàn giao ranh mốc để xây đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng (tại vòng xoay với đường Kha Vạn Cân) đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức). Dự án này sẽ kết nối vào cầu Rạch Chiếc mới đã nêu ở trên và theo đường Vành đai Đông về cầu Phú Mỹ… Trên lộ trình này, tại nút giao trước cảng Cát Lái (nút giao Mỹ Thủy, quận 2), TP.HCM cũng sắp được khởi công. “Dự án hoàn chỉnh nút giao này sẽ được phân kỳ đầu tư trong ba năm. Sắp tới, dự án này sẽ được phê duyệt và bàn giao ranh để quận 2 giải phóng mặt bằng, bắt đầu thực hiện dự án. Tương tự, chúng tôi đang chờ HĐND TP thông qua đề xuất CII sẽ ứng 1.120 tỉ đồng để bồi thường, giải tỏa rồi xây dựng mở rộng cầu Ông Dầu (trên quốc lộ 13), xây nút giao ngã năm đài liệt sĩ và mở rộng đường Ung Văn Khiêm” - ông Cường nói thêm.
Vốn “khủng” đổ vào giao thông Một số dự án cầu, đường sắp được TP.HCM khởi công đều có vốn “khủng”, từ nguồn ngoài ngân sách (theo hình thức BOT, BT…) như: - Nút giao Mỹ Thủy: Khoảng 2.400 tỉ đồng. - Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ: Khoảng 2.540 tỉ đồng. - Nối đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa: Gần 1.135 tỉ đồng (giai đoạn 1). - Mở rộng quốc lộ 1, ở phía tây: Khoảng 1.886 tỉ đồng. - Nối đường Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương: Hơn 1.900 tỉ đồng. Báo cáo trình Đại hội Đảng bộ TP.HCM, UBND TP đánh giá trong giai đoạn 2011-2015, dù nguồn vốn ngân sách còn hạn chế song TP.HCM đã huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 2011 đến tháng 5-2015, TP.HCM đã giải ngân gần 11.130 tỉ đồng từ vốn ODA, gần 8.730 tỉ đồng từ hình thức BOT, BT. Từ kết quả trên, TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nhiều trục đường, công trình trọng điểm trên địa bàn khép kín đường Vành đai 2, xây đường Vành đai 3, các nút giao Mỹ Thủy, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh… Ước tính nhu cầu vốn cho lĩnh vực giao thông đường bộ trong giai đoạn 2016-2020 lên đến 124.190 tỉ đồng. Tổng chiều dài đường mới ở TP.HCM từ năm 2011 đến cuối 2015 được đưa vào sử dụng là hơn 331 km (vượt 158% chỉ tiêu). Đến cuối năm 2015, TP.HCM cũng xây dựng mới được 74 cây cầu (chỉ tiêu là 50 cây). |