Ngày 7-3, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và quỹ Thiện Tâm- Tập đoàn Vingroup, công bố triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.
Đồng hành, giúp ngư dân tiến ra biển
Theo bà Nguyễn Linh Chi, đại diện Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup, với mong muốn hướng tới một tương lai xanh cho Việt Nam nói chung, mục tiêu cùng Khánh Hòa phát triển kinh tế biển xanh, xây dựng đường bờ biển Khánh Hòa sạch, đẹp tầm cỡ quốc tế, tháng 7-2022, quỹ Thiện Tâm đã tiên phong tài trợ tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu và xây dựng đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo bà Chi, mục đích của đề án là đưa ngành nuôi biển của tỉnh Khánh Hòa phát triển theo quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững môi trường biển, mang lại thu nhập cao cho người dân, phát triển bền vững.

“Không chỉ dừng lại ở việc tài trợ ngân sách, chúng tôi luôn sát cánh cùng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ Sản 3 và các cán bộ tỉnh, khảo sát thực trạng, tìm hiểu và giới thiệu công nghệ tới các doanh nghiệp và bà con ngư dân”- bà Chi nói.
Cũng theo bà Chi ngay từ cuối năm 2022, phía tập đoàn đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa được tài trợ trước việc triển khai thí điểm mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE tại Cam Ranh vì những lợi ích thiết thực của mô hình này. Đặc biệt, về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
“Sau giai đoạn 1, hiện quỹ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa mở rộng phạm vi thí điểm giai đoạn 2 trên tất cả các huyện/thành phố và đưa người dân đi ra xa bờ hơn nữa, vượt ra khỏi vùng hải hải lý. Số lượng người dân được tài trợ giai đoạn 2 đã gấp 10 lần giai đoạn 1.
Trong giai đoạn 2, nuôi biển công nghệ cao đã tiến sang tầm cao mới, tiệm cận dần tới nuôi quy mô lớn. Tại vịnh Nha Trang, mô hình cụm lồng HDPE nuôi biển kết hợp du lịch đã hình thành. Tại vùng Hòn Nội, lần đầu tiên trong lịch sử Khánh Hoà người dân đã mạnh dạn triển khai cụm lồng nuôi trên biển hở với khoảng cách xa bờ từ 3-6 hải lý”- bà Chi nhấn mạnh.
Còn ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa là tiền đề cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành vùng nuôi biển xa bờ vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Mô hình nuôi biển của tương lai
Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, mục đích của đề án là đưa ngành nuôi biển của tỉnh phát triển theo quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững môi trường biển, mang lại thu nhập cao cho người dân, phát triển bền vững.

Theo ông Quang, với sự tài trợ quỹ Thiện tâm, từ năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa và đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 24-1-2025.
Cụ thể, đề án hướng đến vùng biển trong phạm vi 3 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Trên vùng biển từ 3 đến 6 hải lý diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết năm 2029.
Đề án còn đề ra sáu nhiệm vụ về phát triển giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý.
Cùng với đó là các giải pháp về các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; quản lý và tổ chức sản xuất; giải pháp về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; giải pháp về kinh phí thực hiện.
Song song với việc xây dựng đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 7/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở ở xã Cam Lập cho 10 hộ dân tiên phong, do quỹ Thiện Tâm tài trợ.
Mô hình được triển khai ra thực tế từ tháng 5-2023 với 10 hộ dân tham gia nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng nuôi HDPE, có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên vùng biển hở xã Cam Lập. Đến tháng 6-2024, mô hình thí điểm này đã được tổng kết với 10 hộ tham gia thu hoạch và đạt lợi nhuận cao hơn so với việc nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống.

Từ hiệu quả mà mô hình thí điểm, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ra các vùng biển khác trên địa bàn tỉnh, cả trong phạm vi 3 hải lý và từ 3 - 6 hải lý; việc mở rộng mô hình thí điểm này tiếp tục được quỹ Thiện Tâm- Tập đoàn Vingroup đồng hành và tài trợ.
Theo đó, việc mở rộng mô hình thí điểm được triển khai trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2025, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30 ha (150 hộ). Giai đoạn 2, từ năm 2026 đến 2027, mở rộng thí điểm trên quy mô 100 ha. Giai đoạn 3, từ năm 2028 đến 2029, mở rộng mô hình trên quy mô 110 ha.