Đó là ý kiến của đại diện Phòng TN&MT quận 12, TP.HCM tại buổi giám sát việc triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” tại phường Thới An, quận 12 vừa qua.
Hiện chưa xử lý được những hành vi vi phạm về môi trường bằng camera hay hình ảnh vì luật chưa quy định.
Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Quế Nhung, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thới An, quận 12, cho biết phường đã thường xuyên tổ chức ra quân vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần để xóa điểm rác lưu cữu. Đã tổ chức được 39 đợt ra quan xóa 28 điểm rác lưu cữu với hơn 2.000 lượt người tham dự. Tuyên truyền vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch. Đồng thời, thực hiện các công trình xã hội hóa để lan tỏa trong nhân dân, kết quả đã vận động thực hiện 22 công trình với tổng kinh phí vận động trong nhân dân là gần 9 tỉ đồng…
Tại đây, ông Đặng Hải Bình, Phó Trưởng phòng TN&MT quận 12, thông tin từ đầu năm 2019 đến nay, UBND quận đã ban hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 10 công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Thực hiện tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân qua website quận, Facebook quận và ứng dụng Zalo… Tuy nhiên, trong thời gian qua, UBND quận gặp vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo ông Bình, quận đã có báo cáo và kiến nghị hướng dẫn biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.
“Trong việc xử lý, xử phạt hiện nay chúng tôi còn khó khăn. Hiện nay, các hành vi liên quan đến môi trường của tổ chức hay cá nhân gì đều xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là muốn xử lý phải bắt tận tay, bắt quả tang, lập biên bản rồi mới xử lý, còn việc áp dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ như camera hay hình ảnh để xử phạt thì chưa có quy định chính thức trong hệ thống pháp luật của chúng ta” - ông Bình chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đã ghi nhận những kết quả đạt được của quận 12. Về khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, phía Sở TN&MT cũng đã tham mưu cho ủy ban gửi văn bản đề nghị góp ý, đề nghị Bộ TN&MT cần có những phần điều chỉnh, chỉnh sửa trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Kết luận tại buổi khảo sát, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ghi nhận những khó khăn của địa phương. Đồng thời, bà cũng ghi nhận kết quả của phường Thới An cũng như quận 12 trong việc triển khai Chỉ thị 19-CT/TU.
Bà Dung cũng đề nghị chính quyền phải quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện một số công việc sau: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kiểm tra và xử lý trên lĩnh vực vi phạm về môi trường...