Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

(PLO)- Với khát vọng cứu nước, cứu dân, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 – 9-9-2022).

Các đại biểu dự hội thảo thăm Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh. Ảnh: TN

Các đại biểu dự hội thảo thăm Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh. Ảnh: TN

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay trong lịch sử hình thành và phát triển, xứ Quảng được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa. Đây cũng là vùng đất từng chịu nhiều thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh. Từ nơi này sản sinh ra nhiều nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới. Tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, lãnh tụ của Phong trào Duy Tân - một phong trào yêu nước sôi nổi, rộng khắp cả nước những năm đầu thế kỷ 20.

Trên hành trình vào Nam - ra Bắc - sang Nhật - qua Pháp…, ở Phan Châu Trinh hình thành và không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, Phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng nhà yêu nước Phan Châu Trinh cả cuộc đời luôn đau đáu một tấm lòng, trách nhiệm vì dân, vì nước, với tư tưởng tiến bộ, canh tân, luôn đi tìm “thuốc” chữa trị vận nước.

“Nhà yêu nước Phan Châu Trinh là đại diện tiêu biểu cho khí phách, tư tưởng và khát vọng của con người xứ Quảng. Cuộc đời, sự nghiệp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa và tiến trình đấu tranh vì sự phục hưng dân tộc” - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.

Ông Cường cho rằng sự nghiệp và những di sản mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh để lại là những bài học sâu sắc. Đó là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân, quan điểm Duy Tân về học thuật, chủ nghĩa yêu nước.

“Phát huy các giá trị, tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại” - ông Cường phát biểu.•

Xây dựng ý chí tự lực, tự cường

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực, cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó, ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Theo đó:

Khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ quốc ngữ cùng kiến thức khoa học, bài trừ hủ tục xa hoa.

Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên chế phong kiến.

Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, sản xuất hàng nội địa hóa...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, từ tư tưởng trên của Phan Châu Trinh, thế hệ hôm nay cần học tập, phát huy, xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm