Quảng Nam kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh

(PLO)- Với khát vọng cứu nước, cứu dân, Phan Châu Trinh đưa ra chủ thuyết canh tân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh – nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 – 9-9-2022).

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích, khai thác bối cảnh thời đại tác động đến tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của ông; sự ảnh hưởng của phong trào Duy Tân và tư tưởng canh tân đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, trong lịch sử hình thành và phát triển, Xứ Quảng được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu mở đầu hội thảo. Ảnh: TN

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu mở đầu hội thảo. Ảnh: TN

Theo ông Thanh, đây cũng là vùng đất từng chịu nhiều thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh. Vượt qua gian khổ, người Quảng Nam đã thể hiện được những phẩm chất cần cù, thông minh, kiên cường, bất khuất... để từ đó sản sinh ra nhiều nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới. Tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, lãnh tụ của Phong trào Duy tân - một phong trào yêu nước sôi nổi, rộng khắp cả nước những năm đầu thế kỷ XX.

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của ông đã trải qua nhiều gian nan, cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực, cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TN

Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, Phong trào Duy tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước.

Cũng theo Chủ tịch Quảng Nam, nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với những tác phẩm nổi tiếng.

Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến.

Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, ông đã cống hiến trọn đời mình cho nhân dân, cho dân tộc. Từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng trong lòng ông vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng, nhà yêu nước Phan Châu Trinh cả cuộc đời luôn đau đáu một tấm lòng, trách nhiệm vì dân, vì nước, với tư tưởng tiến bộ, canh tân, luôn đi tìm “thuốc” chữa trị vận nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TN

“Nhà yêu nước Phan Châu Trinh là đại diện tiêu biểu cho khí phách, tư tưởng và khát vọng của con người xứ Quảng. Cuộc đời, sự nghiệp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa và tiến trình đấu tranh vì sự phục hưng dân tộc”, Bí thư Quảng Nam nhấn mạnh.

Ông Cường cho rằng, sự nghiệp và những di sản mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh để lại những bài học sâu sắc. Đó là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân, quan điểm Duy Tân về học thuật, chủ nghĩa yêu nước.

Đó còn là vai trò của sĩ phu với thời cuộc, tinh thần không ngừng tự học, tự vươn lên. Luôn bắt nhịp và hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh cao hơn, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

“Phát huy các giá trị, tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại”, ông Cường phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm