Theo các chuyên gia, “thủ phạm” của sự chậm trễ này, hầu hết nằm ở quá trình chuẩn bị thủ tục, hóa đơn, chứng từ. Thời gian chuẩn bị thủ tục nhiều đến mức một DN phải thốt lên rằng để có được tờ khai thông quan trong năm phút DN phải chuẩn bị một xấp giấy tờ dày đến 500 tờ. Trước những con số “đội sổ” này, ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh (ngày 31-7), đã mệnh danh cho Việt Nam là “nhà vô địch chứng từ”.
Vì sao ở Việt Nam lại có nhiều thủ tục, chứng từ như vậy? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì điều này xuất phát từ cách làm chính sách của Việt Nam được hình thành từ cách quản lý trong sự nghi ngờ. Nhà nước luôn nghi ngờ DN, nghi ngờ người dân nên mới thiết kế chính sách bằng mọi cách làm sao để quản thật chặt. “Tôi thật sự phục các cơ quan nhà nước về cái tài nghĩ ra các hành vi, vi phạm để xử phạt. Ngay cái việc cỏn con như nhãn hàng bị thiếu chữ, mờ chữ cũng bị soi để đưa vào phạt” - bà Lan dẫn chứng. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho hay có lẽ để quản lý cho thật chặt mà “đến cái chữ viết hoa hay không viết hoa cũng có nhiều người đưa ra bắt bẻ”.
Trong khi đó những chồng chéo, phức tạp trong thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước để quản lý hoạt động của DN vẫn còn nhiều rối rắm thì lại chậm khắc phục. Rõ ràng nhất là câu chuyện nộp thuế và thông quan hàng hóa như đã gây ra những hệ lụy, trắc trở như trên nhưng không thấy ai bị phạt, ai chịu trách nhiệm? Hầu như tất cả cái khó đều chĩa vào người dân, DN.
Cái giá của việc quản lý trong nghi ngờ không chỉ dừng lại ở việc làm khó DN mà còn tạo nên sự trì trệ cho nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 99/189 nền kinh tế lẽ ra tương ứng với mức thu nhập 7.500 USD/người/năm, thế nhưng thực tế con số ấy hiện nay của Việt Nam chỉ trên dưới 2.000 USD. “Sở dĩ có sự chênh lệch này một phần do gánh nặng chi phí của DN quá cao” - ông Cung lý giải.
Đúng như bà Lan nói, chúng ta không thể tạo ra sự khác biệt không giống ai theo hướng tiêu cực. “Trong thế giới hội nhập, luật chơi như nhau vì thế ta cần phải cải cách để phù hợp thông lệ quốc tế; và đừng lấy lý do ta khác họ để nói không với cải cách” - ông Cung đã nói như thế.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7, để hỗ trợ DN, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí sẽ ban hành nghị quyết về thuế với hàng loạt các giải pháp tích cực. Trong đó có “những giải pháp tập trung vào cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để làm sao đạt được yêu cầu đến hết năm 2015, thời gian kê khai nộp thuế của DN là 171 giờ (thay vì trên 700 giờ như hiện nay)” như lời của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại cuộc họp báo chiều 31-7. Hy vọng rằng sự quyết tâm này của Chính phủ sẽ được hiện thực hóa và sẽ mang lại những chuyển biến thực sự cho môi trường kinh doanh Việt Nam trong tương lai gần.
THU HẰNG