Không lực Nga hết bất khả chiến bại ở Syria?

Sau một loạt vụ việc căn cứ không quân Nga tại Syria bị tấn công bất ngờ, không quân Nga cuối tuần qua lại phải nhận thêm hung tin. Một chiếc Su-25 của Nga ngày 3-2 đã bị bắn rơi ở tỉnh Idlib, phía Đông Bắc Syria, vốn là nơi mà lực lượng chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang kiểm soát. Điều này gần như chưa từng xảy ra trên chiến trường Syria, kể cả trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc nội chiến khi mà phe nổi dậy gần như bất lực trước sức mạnh vượt trội của không lực Nga.

Lộ diện mối đe dọa mới

Chiếc Su-25 bị bắn rơi vào ngày 3-2 không phải là chiến đấu cơ đầu tiên không quân Nga mất tại chiến trường Syria. Ngày 24-11-2015, một máy bay ném bom chiến thuật Su-24M của Nga đã bị bắn rơi tại khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Một phi công Nga đã bị phiến quân chống chính phủ Syria bắn chết. Phi công còn lại được giải cứu thành công nhưng Nga cũng mất thêm một trực thăng quân sự Mi-8 trong nỗ lực xâm nhập vùng lãnh thổ bị phiến quân kiểm soát.

Tuy nhiên, “thủ phạm” bắn rơi chiếc Su-24M lại là một chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ, một lực lượng quân sự chính quy và được đầu tư hỏa lực mạnh. Sự kiện đau thương ngày 3-2 của không quân Nga lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thủ phạm bắn rơi chiếc Su-25 lại là các phần tử thuộc nhóm vũ trang Jaysh al-Nasr, có liên hệ với lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA) chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Lực lượng phiến quân từng bị xem là thiếu tổ chức, dễ dàng bị áp đảo bởi hỏa lực ưu việt của không quân Nga suốt gần ba năm qua giờ đây đã bắn rơi được một chiếc Su-25. Đây là một cột mốc quan trọng trên chiến trường Syria mà quân đội Nga buộc phải lo ngại.

Vũ khí mà nhóm phiến quân sử dụng được xác định là một hệ thống phòng không vác vai (MANPADS), Bộ Quốc phòng Nga ngày 3-2 cho biết. Truyền thông Nga cho rằng MANPADS bắn hạ Su-25 có nguồn gốc từ phương Tây. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga Yury Shvytkin đã lập tức yêu cầu điều tra chi tiết vụ việc. Ông bày tỏ lo ngại trước thực tế lực lượng “khủng bố” tại Syria đã lần đầu tiên sử dụng thành công MANPADS do phương Tây cung cấp để bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, cũng yêu cầu truy nguồn gốc của MANPADS được sử dụng. Loại vũ khí đắc lực này nằm trong danh sách những khí tài mà phe chống chính phủ tại Syria nhiều năm qua yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp để đương đầu với hỏa lực của không quân Nga.

Một mảnh vỡ từ chiếc máy bay chiến đấu Su-25 của Nga bị phiến quân bắn hạ tại tỉnh Idlib. Ảnh: AFP

Ảnh chụp năm 2011 cho thấy một phần tử thuộc lực lượng phiến quân đang mang theo súng phòng không nghi được cung cấp từ các đối tác phương Tây. Ảnh: REUTERS

Nguy cơ đối đầu

“Chúng tôi có thông tin MANPADS bắn hạ chiến đấu cơ Nga đã qua một nước láng giềng và được đưa vào Syria vài ngày trước. Những nước đã để cho loại vũ khí này đi qua lãnh thổ, để rồi được sử dụng chống lại quân nhân Nga cần hiểu rằng những hành động này sẽ bị trừng trị” - nghị sĩ Dmitry Sablin của Thượng viện Nga ngày 4-2 cho biết.

Trả lời hãng tin Itar Tass, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã phủ nhận thông tin Mỹ gửi vũ khí phòng không đến Syria. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu quốc phòng năm 2017 của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng mở ra cánh cửa cung cấp loại vũ khí này đến các lực lượng phiến quân ở Syria. Kế hoạch này có bao gồm rất nhiều điều kiện nhiêu khê để các nhóm vũ trang ở Syria nhận vũ khí. Lầu Năm Góc cũng khẳng định dù kế hoạch là vậy nhưng thật ra chưa có vũ khí phòng không nào được chuyển đến Syria.

Sợi dây liên hệ giữa Mỹ và vụ phiến quân bắn rơi Su-25 của Nga dù “mỏng” nhưng cũng có rủi ro khiến quan hệ Moscow-Washington thêm căng thẳng, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (Canada) Stephen Lendman nhận định. Lo ngại trước các nghi ngờ từ Moscow, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Rankine-Galloway khẳng định Lầu Năm Góc sẽ nghiên cứu “mức độ chân thành trong các phát ngôn” của phía Nga để đảm bảo sự an toàn cho lực lượng liên quân chiến trường Syria.

Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nguy cơ căng thẳng trở lại. Khu vực Idlib nơi chiếc Su-25 bị bắn rơi nằm trong vùng giảm căng thẳng mà Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm giám sát, tờ The Washington Post cho biết. Mối liên hệ với lực lượng FSA trong khuôn khổ chiến dịch quân sự vùng biên giới Syria cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước khả năng bị vạ lây về mặt ngoại giao. Hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn đang hợp tác sát sao với phía Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm cách đưa thi thể Thiếu tá không quân Roman Filippov, viên phi công chiếc Su-25 bị các tay súng phiến quân sát hại, trở về tổ quốc.

Một cuộc chiến mới

Sự việc Su-25 bị bắn hạ càng cho thấy không quân Nga đang đối mặt với một cuộc chiến mới tại Syria, mặc dù chỉ mới cuối năm 2017 từng tuyên bố đã “quét sạch” được lực lượng khủng bố. Trong đầu tháng 1-2018, các căn cứ quân sự Nga ở Hymimim và Tartus đã lần lượt hứng ba đợt tấn công từ các máy bay không người lái khiến ít nhất hai binh sĩ Nga thiệt mạng. Cả hai căn cứ quân sự đều được phòng thủ tận răng với hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và hệ thống phòng không Pantsir của Nga.

Các chuyên gia cho rằng việc các căn cứ liên tục bị tấn công cho thấy những phần tử nổi dậy vẫn là mối đe dọa tiềm tàng cho lực lượng của Nga ở Syria, bất kể tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn Syria. Tổng thống Putin khẳng định các máy bay không người lái mà quân đội Nga thu giữ sau cuộc tấn công được trang bị những công nghệ tiên tiến mà có thể những kẻ khủng bố đã nhận từ nước ngoài. Các vụ tấn công vào căn cứ quân sự Nga khi đó cũng có xuất phát điểm từ tỉnh Idlib, nơi mà quân chống chính phủ kiểm soát và là vùng giảm căng thẳng mà Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm giám sát.

Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng CAST có trụ sở ở Moscow, nhận định lực lượng quân sự Nga tại Syria đang thiếu sự chuẩn bị để đối đầu với các khí tài mới mà phiến quân đang nắm trong tay. Một số chuyên gia về quốc phòng Nga bày tỏ lo ngại các lực lượng khủng bố sẽ tiếp tục thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra cách tối ưu xuyên phá năng lực phòng thủ của không quân Nga. Còn theo bà Jennifer Cafarella, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến tranh ở Washington, chiến thuật không kích quy mô lớn của không quân Nga đang không phù hợp để đối phó với các cuộc tấn công không theo quy chuẩn thông thường, lối đánh chiến tranh du kích của phiến quân Syria, đặc biệt là trong tình hình lực lượng phiến quân đang tiếp cận thêm nhiều khí tài tối tân khác.

Phiến quân lấy tên lửa Nga từ người Kurd

Trả lời tờ Daily Sabbah của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31-1, đại diện của FSA cho biết nhóm vũ trang này đã thu giữ được một hệ thống MANPADS từ một đơn vị thuộc lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tại chiến trường Afrin, phía Tây Bắc Syria. Trong đoạn clip được công bố trên mạng xã hội, FSA cho biết hệ thống MANPADS được thu giữ là loại SA-18 Igla do Nga sản xuất. Loại bệ phóng tên lửa cơ động này có khả năng khai hỏa tên lửa đất đối không tầm nhiệt, thường được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu là trực thăng, máy bay trinh sát và máy bay không người lái, tờ Daily Sabbah cho biết.

Lực lượng FSA hiện đang phối hợp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự “Cành ôliu” tại vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch này nhắm vào lực lượng quân sự người Kurd ở biên giới phía Bắc Syria, bị chính quyền Ankara xem là có liên hệ với tổ chức ly khai vũ trang người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Ankara khẳng định chiến dịch cũng nhắm quét sạch lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại vùng biên giới hai nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm