Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 17-3, hai cán bộ công an huyện Gio Linh, Quảng Trị đã bị tử nạn sau khi lái ô tô băng ngang đường sắt. Trước đó, cả hai tham gia họp án về một vụ khai thác rừng trồng trên địa bàn tại trụ sở Công an huyện Gio Linh. Lãnh đạo công an tỉnh Quảng Trị cho hay sẽ điều tra vụ tai nạn để xem xét đề nghị phong tặng liệt sĩ cho hai cán bộ này theo quy định.
Nhiều ý kiến bạn đọc thắc mắc trường hợp này có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ hay không.
Tự gây tai nạn
Qua báo chí, các hình ảnh từ vụ tai nạn giao thông liên quan đến tàu lửa khiến hai cán bộ công an huyện Gio Linh tử nạn cho thấy một số điều sau. Thứ nhất, đường sắt là đường ưu tiên. Các loại phương tiện, người lái xe trên đường bộ khi đi ngang qua đường sắt đều phải chấp hành quyền ưu tiên này.
Thứ hai, hình ảnh từ các báo cho thấy tuyến đường dân sinh băng ngang đường sắt tại vị trí xảy ra tai nạn là đường dân sinh ổn định, có từ lâu nên tại vị trí giao cắt được ke ray, trải tấm bê tông xi măng để xe máy, ô tô qua lại thuận lợi. Cách đường sắt năm mét, về phía tay phải là biển báo hiệu “Stop” với hiệu lệnh tiếng Việt bên dưới “Dừng lại, quan sát tàu hỏa khi qua đường sắt”.
Như vậy, có thể nói vụ tai nạn xảy ra là do người lái đã không thực hiện quyền ưu tiên của đường sắt và không chấp hành biển báo đặt tại nơi giao cắt.
Biển báo đặt tại nơi băng qua đường sắt.
Nơi xảy ra vụ tai nạn
Vi phạm pháp luật thì không được công nhận
Vậy, ngay cả khi hai cán bộ công an này đang trên đường đi làm nhiệm vụ thì có đủ điều kiện để được công nhận liệt sĩ?
Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công".
Nghị định 31/2013 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh này, cũng nói rõ người được công nhận liệt sĩ phải thuộc các trường hợp cao cả như chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân…
Đáng chú ý, theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 131/2013 thì không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với “Những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị”.
Hiện trường vụ tai nạn.
Danh hiệu liệt sĩ có ý nghĩa rất thiêng liêng và cao cả, do vậy không phải cứ chết trên đường đi làm nhiệm vụ thì được công nhận là liệt sĩ. Còn nhớ trước đây ở TP.HCM có trường hợp cảnh sát giao thông đuổi theo một đối tượng vượt đèn đỏ. Người này chạy vào trong hèm để né, cảnh sát dí xe bồ câu vào hẻm luôn. Kết quả là xe bị đâm vào vách tường và ngã, cảnh sát giao thông chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Ngành công an sau đó đã làm hổ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ nhưng cơ quan chức năng không cho công nhận. Lý do vì sự việc chưa đến mức chưa đến mức cần thiết phải truy đuổi quyết liệt bất chấp như thế.
Vì thế, xin đừng hiểu lệch đi ý nghĩa cao cả của danh hiệu liệt sĩ.