Theo thống kê của Công ty Ipsos Strategy3, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia (có trụ sở tại Pháp), giai đoạn 2021 - 2022, mức tiêu thụ thịt heo chỉ còn khoảng 23,5 kg/người/năm, giảm khoảng 8 kg/người/năm. Trong khi đó, cách đó không lâu, vào giai đoạn 2018, mức tiêu thụ thịt heo theo đầu người đạt khoảng 32 kg/người/năm.
Có ba nguyên nhân được cho là tác động khiến lượng tiêu thụ thịt heo sụt giảm. Thứ nhất dịch tả heo châu Phi làm tâm lý người tiêu dùng e ngại, nguồn cung ảnh hưởng, thứ hai giá thịt heo có thời điểm tăng vọt bởi các chi phí đầu vào tăng mạnh. Cuối cùng do hậu COVID-19 khiến người dân chi tiêu dè sẻn và tìm nguồn đạm động vật rẻ hơn thay thế. Và các sản phẩm thịt gia cầm, hải sản, thịt bò đang dần được người Việt ưa chuộng hơn.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cho ra kết quả tương tự. Nếu giai đoạn 2016 – 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo bình quân cao nhất thế giới với 30 – 31 kg/người/năm thì giai đoạn hai năm đại dịch, con số này không quá 26 kg.
Ở chiều ngược lại, Ipsos Strategy3 cho thấy, lượng tiêu thụ thịt gia cầm của người Việt tăng từ 12 kg/người/năm vào năm 2017 lên 20 kg/người/năm trong năm 2022. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ thịt bò tăng nhẹ từ 0,5 - 0,7 kg lên mức 5 kg/người/năm trong năm 2022. Hải sản cũng cũng trở nguồn thực phẩm cung cấp nhiều protein nhất cho người việt, với bình quân 29 kg/năm.
Người Việt tăng chi tiêu cho hải sản. Ảnh minh họa về hải sản: Hạ Quyên |
Dù vậy, một số đơn vị nhận định, về dài hạn, thị trường thịt heo vẫn được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng, vì dẫu sao đây cũng là nguồn thức ăn truyền thống của người Việt. Thêm vào đó người tiêu dùng đang ngày một quan tâm đến sức khỏe, thì nhu cầu cho các sản phẩm thịt có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ tăng vọt.
OECD dự báo đến năm 2023 mỗi người Việt sẽ ăn khoảng 27,7 kg heo, tăng khoảng 7% so với năm ngoái. Đến năm 2029, con số này có thể tăng lên 32,7 kg - cao hơn giai đoạn trước dịch - và vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc để đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ bình quân đầu người.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, thịt heo có đủ các thành phần dinh dưỡng, là nguồn cung cấp chất đạm, béo, các vitamin, muối khoáng cho cơ thể.
Tuy nhiên người tiêu dùng cũng có thể cung cấp các chất dinh dưỡng có trong thịt heo từ nhiều nguồn thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà, cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng…
Người dân nên tham khảo các thực phẩm giàu protein khác, để luân phiên, xen kẽ các loại thịt vào mỗi bữa ăn, ăn khoảng 3 lần/tuần với mỗi loại thịt, cá.
Tránh ăn một món nhiều ngày, đặc biệt là thịt heo, bò vì hai loại này có hàm lượng protein động vật cao dễ gây bệnh về thận, mỡ máu, huyết áp.