Kinh tế châu Âu liệu có sáng hơn trong năm nay?

(PLO)- Dù được dự đoán sẽ khôi phục mức tăng trưởng trong năm nay, song giới quan sát cho rằng khu vực eurozone vẫn đối mặt nhiều thách thức từ thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Economist, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu tin rằng năm 2023 sẽ là thời điểm mà “lục địa già” trở lại trạng thái bình thường mới với đà tăng trưởng cao hơn và lạm phát ổn định dưới mức 2%. Tuy nhiên, trước nhiều yếu tố phức tạp từ thị trường, giới quan sát cho rằng châu Âu sẽ phải chật vật trong nỗ lực khôi phục kinh tế.

Từ lạc quan khôi phục trước mắt...

Theo giới quan sát thị trường, nếu so với thời điểm kinh tế khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ cú sốc do xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng năng lượng gây ra, thì hiện tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang tạo được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Người dân mua sắm tại một khu chợ miền Tây nước Pháp. Ảnh: AP

Người dân mua sắm tại một khu chợ miền Tây nước Pháp. Ảnh: AP

Cụ thể, giá khí đốt đã giảm mạnh so với thời điểm nổ ra chiến sự và sau đợt tăng giá kỷ lục trong mùa hè năm 2022. Điều này giúp giảm nhẹ gánh nặng cho chính phủ nhiều nước châu Âu, khi họ không phải tiếp tục đầu tư cho các chính sách hỗ trợ khí đốt và năng lượng cho người dân, đồng thời không còn chịu áp lực từ việc phải phân phối năng lượng theo nhu cầu như trước.

Ngoài ra, trái với dự đoán trước đó từ các chuyên gia kinh tế, ngành sản xuất công nghiệp châu Âu đã tránh được tình trạng suy thoái lâu dài do thiếu nhiên liệu vận hành. Ví dụ như ở Đức, kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bắt đầu, sản lượng ngành công nghiệp nước này đã giảm hơn 20% trong năm qua, song con số này chỉ còn khoảng 3% khi tính từ thời điểm cuối năm 2022 tới đầu năm nay.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO (có trụ sở tại TP Dresden, bang Sachsen, Đức), các nhà sản xuất tại châu Âu đang tỏ ra lạc quan trước tình trạng ngành sản xuất công nghiệp đang dần khôi phục. Theo Viện này, đà phát triển hiện tại của công nghiệp châu Âu là không quá khác biệt so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực châu Âu đã có chiều hướng tăng trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, PMI trong tháng 2 đã tăng lên mức 52% từ mức 50,3% trong tháng 1, và cả hai tháng đều cao hơn mức 50% - mức ngăn cách giữa tăng trưởng và thu hẹp. Theo EC, đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi của các ngành sản xuất và ngành dịch vụ.

... đến thách thức cản trở đà tăng trưởng

Theo The Economist, để đưa nền kinh tế trở về đà khôi phục, châu Âu cần vượt qua một số thách thức trước mắt đang cản trở nỗ lực này của khu vực, gồm xu hướng suy giảm trong chi tiêu của người dân, lạm phát dai dẳng vẫn ở mức cao và động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo giới quan sát, sự suy giảm trong mức chi tiêu của người dân đang trở thành một trong những thách thức lớn mà kinh tế châu Âu phải đối mặt. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều hộ gia đình tại các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Áo,... đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc họ có xu hướng hạn chế tiêu dùng và thực hiện tiết kiệm tối đa.

Theo The Economist, doanh thu từ hoạt động bán lẻ của khu vực eurozone đã giảm 2,7% trong thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm nay. Theo đó, việc suy giảm này đã khiến đà tiêu thụ hàng hóa trong khu vực có xu hướng chùng xuống và gây ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, tỉ lệ lạm phát lõi (mức lạm phát không tính lĩnh vực năng lượng và lương thực) vẫn ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, lạm phát lõi trong tháng 2 là 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 0,3% so với tháng 1 năm nay). Chính điều này có thể khiến ECB tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

Giới quan sát thị trường cũng dự đoán rằng ECB có sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ mức 2,5% lên 3,7% trong mùa hè năm nay. Điều này dự kiến sẽ khiến hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình trở nên khó khăn hơn, ngoài ra nó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp.

Châu Âu phải làm gì để khôi phục kinh tế?

Chia sẻ với trang Project Syndicate, ông Werner Hoyer - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho biết để đưa kinh tế châu Âu thoát khỏi khủng hoảng, các nhà hoạch định châu Âu cần đề ra chiến lược đầu tư thông minh, hợp lý hơn.

Theo ông, trong thời gian tới ECB chắc chắn sẽ tăng lãi suất nhanh hơn và nhiều hơn nữa, vậy nên những gì mà châu Âu cần làm là tăng cường đầu tư, hỗ trợ có mục tiêu. Cụ thể là đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực xanh, huy động đầu tư tư nhân trên quy mô toàn EU với các mục tiêu rõ ràng hơn, trong đó có các ngành liên quan lĩnh vực khoa học đời sống, năng lượng, và công nghệ. Bởi theo ông những ngành trên sẽ là nền tảng để châu Âu từng bước khôi phục nền kinh tế, và sẽ giúp khu vực này tăng khả năng cạnh tranh với các khu vực khác trong tương lai.

Ông lưu ý thêm Ủy ban châu Âu (EC) và các thành viên EU cũng có thể thành lập một quỹ đầu tư toàn EU để có thể hỗ trợ các dự án kinh doanh lớn có tầm quan trọng chiến lược đối với kinh tế khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm