Trung Quốc trước cơ hội phục hồi nhanh kinh tế

(PLO)- Cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi Trung Quốc trước nỗ lực phục hồi kinh tế sau gần ba năm đình trệ vì đại dịch COVID-19?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm 2022, Trung Quốc (TQ) mở cửa sau gần ba năm đại dịch COVID-19. Giới quan sát nhận định đây là bước ngoặt có thể giúp TQ khôi phục kinh tế trong nước về mức tăng trưởng trước đại dịch, song nước này vẫn có nguy cơ phải đối mặt với một số khó khăn sau gần ba năm đóng cửa, theo hãng tin Bloomberg.

Cơ hội kèm thách thức

Theo Bloomberg, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, TQ đã phát tín hiệu tới giới quan sát thị trường rằng kinh tế nước này đã đạt được những thành tựu đầu tiên trong nỗ lực khôi phục sau đại dịch.

IMF từng dự báo rằng GDP của TQ sẽ tăng khoảng 4,4% trong năm 2023, song trước các tín hiệu tích cực từ thị trường lớn thứ hai thế giới này, IMF nâng mức dự báo GDP của TQ năm nay sẽ tăng khoảng 5,2%.

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia TQ cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) của TQ trong tháng 1 đạt mức 50,1 (cao hơn mức 47 của tháng 12-2022), cao hơn mức 50 - mức ngăn cách giữa tăng trưởng và thu hẹp.

Theo giới quan sát, việc sản xuất của TQ tăng trưởng trở lại cho thấy các dấu hiệu tích cực, rằng tính từ thời điểm đầu năm 2020 (đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát), tình trạng suy giảm của các ngành sản xuất tại TQ đã chấm dứt. Các nỗ lực khôi phục các ngành sản xuất nói riêng và khôi phục chuỗi cung ứng trên thị trường nói chung đang dần cho thấy hiệu quả.

Triển vọng kinh tế của TQ còn ghi nhận thêm điểm sáng khi chỉ số ngành dịch vụ nước này trong tháng 1 tăng lên mức 54,4% từ mức 41,6% (tháng 12-2022), đưa ngành du lịch và thị trường tiêu dùng trong nước sôi nổi trở lại.

Theo Bloomberg, mức tăng trưởng trên có được là nhờ việc mở cửa và kết thúc các hạn chế đi lại từ chính sách zero-COVID. Nhiều địa phương tại TQ cho phép người dân về quê đón tết, dịch vụ giao thông vận tải tăng trưởng mạnh, mức chi tiêu của các hộ gia đình trong dịp lễ, tết cũng tăng cao.

Bộ Văn hóa và Du lịch TQ ghi nhận mức chi tiêu của người dân trong dịp tết vừa rồi tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2022, tổng số chuyến đi lại nội địa cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù thế, các mức tăng này vẫn còn khá khiêm tốn so với thời điểm trước đại dịch, tức năm 2019.

Bên cạnh các điểm sáng, theo trang worldbank.org, triển vọng khôi phục kinh tế của TQ vẫn gặp một số thách thức nhất định do các yếu tố kinh tế - xã hội trong nước gây ra.

Dù được nhận định đã vượt đỉnh dịch, song tình hình dịch bệnh tại TQ vẫn phức tạp khi tỉ lệ nhiễm vẫn cao. Tình trạng này không chỉ gây áp lực lên ngành y tế mà còn ảnh hưởng đến thị trường lao động do người dân mắc bệnh không thể đi làm. Thực trạng này sẽ gây áp lực tới các doanh nghiệp TQ, theo tờ South China Morning Post. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ không có đủ lao động để vận hành trở lại, cản trở việc mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư.

Một thách thức nữa với triển vọng khôi phục kinh tế của TQ chính là tình trạng ảm đạm trong thị trường bất động sản, chiếm 1/4 trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TQ, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Người dân Trung Quốc mua thực phẩm tại một siêu thị. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dân Trung Quốc mua thực phẩm tại một siêu thị. Ảnh: GETTY IMAGES

Các giải pháp từ chuyên gia

Việc mở cửa tiếp thêm đà phục hồi cho nền kinh tế TQ song theo nhiều chuyên gia IMF, các nhà hoạch định chính sách TQ cần hành động quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tác động khó khăn trong nước, khôi phục kinh tế nước nhà, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển.

TQ cần chú ý tới các chính sách kinh tế vĩ mô toàn diện, cải cách cơ cấu kinh tế để đảm bảo phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách cân bằng, ổn định và toàn diện. Các chuyên gia IMF khuyến nghị TQ cần tái cấu trúc nợ một cách có trật tự đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn, giúp giảm thiểu rủi ro cho thị trường này.

Về việc làm, TQ có thể lưu ý các hướng cải cách như nâng dần tuổi nghỉ hưu để tăng lực lượng lao động; tăng cường trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế; cải cách hoạt động doanh nghiệp nhà nước để thu hẹp khoảng cách về năng suất với các doanh nghiệp tư nhân.

Cạnh đó, các chuyên gia IMF kêu gọi TQ chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình.

Các chuyên gia IMF tính toán nếu bám sát những cải cách như trên, kinh tế TQ có thể sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay (cao hơn mức 3% của năm 2022). Trường hợp không có các cải cách trên, kinh tế TQ sẽ tăng trưởng ở mức dưới 4% trong năm năm tới.•

Mở cửa, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ “tiếp lửa”
cho kinh tế toàn cầu

Việc TQ dỡ bỏ các hạn chế đi lại, nới lỏng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 đã tiếp sức cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoạt động trở lại và dần bắt kịp tốc độ sản xuất với phần còn lại của thế giới, theo tờ SCMP.

Theo SCMP, động thái mở cửa trở lại của TQ được các nhà quan sát thị trường hoan nghênh, nhận định đây là “cú hích” giúp kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng ảm đạm sau khoảng thời gian dài.

Trong cuộc họp báo với lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới hồi cuối năm 2022, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định rằng sự trở lại của TQ không chỉ mang tầm quan trọng với riêng nước này mà còn đối với nền kinh tế thế giới.

Tuy thế, vẫn có ý kiến thận trọng. Theo bà Mara Warwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại TQ, Mông Cổ và Hàn Quốc, TQ cần duy trì quan sát và điều chỉnh chính xác chính sách COVID-19 để vừa bảo đảm giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe cộng đồng vừa giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm