Khách sạn lên tiếng về phí cách ly 70 triệu đồng/người

UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập các khu y tế tập trung tại 14 khách sạn để phòng, chống dịch COVID-19 cho người cách ly tự nguyện chi trả. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các khách sạn phải công khai giá dịch vụ cho người đăng ký cách ly.

Khách sạn đầu tư nhiều chi phí cho y tế

Mới đây, một nhóm hành khách Việt từ Hàn Quốc nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất phản ứng về mức thu phí cách ly tại khách sạn 100 USD/ngày. Họ cho rằng mức phí trên là quá cao, đồng thời mong muốn được cách ly tập trung với chi phí thấp hơn.

Ngay sau vụ việc, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin về mức phí cách ly ở khách sạn sau khi nhập cảnh. Tiếp đó, nhiều khách sạn cũng công khai giá dịch vụ cho người đăng ký cách ly.

Cụ thể, hiện tại các khách sạn được cách ly có nhiều cấp gồm bình dân, trung cấp, cao cấp từ hai đến năm sao với biểu giá từ hơn 1,3 triệu đến 5 triệu đồng/đêm tùy từng phòng và chi phí dịch vụ. Với mức giá trên, nhiều người tính toán nếu ở 14 ngày cách ly thì chi phí phải trả dao động từ gần 19 triệu đến 70 triệu đồng/người. Đây là mức phí khá cao.

Tuy vậy, các khách sạn cho rằng mức giá này là hợp lý vì phải trang trải hàng loạt chi phí như vận hành phòng; khấu hao phân bổ tài sản; chi phí điện, nước; chi phí quản lý doanh nghiệp, nhân sự, thuế… Tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1) với view hướng sông, khách sạn ba sao Riverside có các mức giá phòng 1,5 triệu đồng, 2,2 triệu đồng và 2,9 triệu đồng/đêm, gồm ba bữa ăn cho khách cách ly.

Ông Võ Minh Trung, Tổng quản lý khách sạn Riverside, nói: “Một số ý kiến cho rằng giá phòng của các khách sạn đắt là chưa đúng vì chi phí vận hành cho phòng cách ly rất lớn”. Ví dụ, dù có tổng số 50 phòng nhưng khách sạn chỉ đăng ký 42 phòng phục vụ cách ly, mỗi tầng dành hai phòng trống dự phòng. Bên cạnh đó, mỗi loại phòng có chi phí, giá khác nhau.

 “Ngoài những chi phí thông thường, để vận hành phòng cách ly, khách sạn còn phải chi thêm đầu tư trang thiết bị y tế như quần áo bảo hộ, găng tay y tế, khẩu trang, hóa chất xịt khuẩn...” - ông Trung dẫn chứng.

Tương tự, đại diện một khách sạn năm sao của tập đoàn nước ngoài ở quận 3, TP.HCM giải thích: Hiện nay khách sạn đạt trung bình 60% công suất phòng để phục vụ cho khách cách ly. Khách sạn có hai mức giá 2,5 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/phòng/đêm/người, gồm ba bữa ăn cùng các tiêu chuẩn dịch vụ khách sạn năm sao. Nếu khách không muốn dùng ba bữa ăn tại khách sạn thì giá sẽ giảm còn 1,9 triệu đồng và 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.

Để trở thành nơi cách ly có thu phí, khách sạn phải được cơ quan chức năng thẩm định và đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe. Bên cạnh đó, chi phí cho các trang thiết bị y tế rất lớn. Chẳng hạn, một ngày nhân viên phải dùng 3-4 bộ đồ bảo hộ, 25-30 đôi găng tay. Chưa kể trong hai tuần, khách sạn phải chi khoảng 16 triệu đồng tiền hóa chất khử trùng.

“Tất cả chi phí trên chiếm đến 70% giá phòng khách sạn bán cho khách. Ngoài ra, tiền điện, nước, máy lạnh… rất nhiều” - vị này nói.

Nhiều khách sạn khác cũng cho biết khi tham gia làm điểm cách ly, chi phí để đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch tăng rất nhiều so với bình thường. Chẳng hạn, lương cho nhân sự phục vụ vòng trong tăng 2-3 lần so với bình thường.

Việc cho phép các khách sạn đón khách cách ly vừa giúp có thêm chỗ thực hiện việc cách ly phòng, chống dịch, vừa giúp các khách sạn vượt qua khó khăn. Ảnh: TÚ UYÊN

Khách có nhiều sự lựa chọn

Nhiều ý kiến cho rằng trong tình hình dịch COVID-19 không có khách du lịch, nếu không phục vụ cách ly khách sạn cũng sẽ đóng cửa, vậy vì sao không bán giá phòng rẻ hơn. Giải đáp thắc mắc này, nhiều khách sạn khẳng định họ không lợi dụng tình hình dịch để nâng giá vì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu.

Theo ông Võ Minh Trung, Tổng quản lý khách sạn Riverside, giá phòng khách sạn không cao mà đó là khung chung. Phục vụ cách ly không có chuyện độc quyền nên các khách sạn phải cạnh tranh làm sao cho giá hợp lý.

“Mức giá khách sạn đưa ra làm sao để có khách phục vụ, hai bên cùng có lợi. Khách sạn đã ký cam kết với Sở Du lịch TP.HCM đảm bảo giá ổn định suốt năm cho khách. Quan điểm của chúng tôi là chung tay phòng, chống dịch vì cộng đồng trước, song song đó làm sao có được chi phí để chi trả nhân sự, trang trải chi phí cố định hằng tháng” - ông Trung nói.

Ông Trung chia sẻ, ban đầu khách sạn cũng do dự vì khi chuyển sang làm điểm cách ly phải đánh đổi một số lợi ích như không đón khách vãng lai, khách quen công ty đặt phòng; không nhận tổ chức hội nghị, tiệc, cơm văn phòng cho khách ngoài. “Chúng tôi tập trung chăm sóc những khách đang cách ly tốt nhất để sau này có dịp họ sẽ quay lại” - ông Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, việc các cơ sở lưu trú du lịch tham gia làm điểm cách ly có trả phí trước hết là sự hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, của TP.HCM. Đây cũng là trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Qua trao đổi, được biết các khách sạn không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu mà thông qua dịch vụ cách ly có trả phí họ có nguồn thu để trang trải những hoạt động như duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, giữ lại nguồn lực lao động… Hiện tại, biểu giá các gói phục vụ của các khách sạn đã được công khai trên website của Sở Du lịch và gửi các cơ quan báo chí.

“Việc công khai về giá như vậy sẽ giúp tăng cường công tác giám sát từ các cơ quan quản lý và người dân. Khách có nhu cầu cách ly cũng hiểu rõ hơn, nhiều lựa chọn hơn. Từ đó tránh những hiểu lầm về giá cả ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cũng như hình ảnh của ngành du lịch TP” - bà Hoa nói và cho rằng nếu cơ sở lưu trú nào niêm yết giá cao quá thì khách được quyền chuyển sang chọn những khách sạn có mức giá phù hợp hơn.

Du thuyền năm sao phục vụ cách ly có thu phí

Ngày 16-10, Sở Du lịch TP.HCM cho hay tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP có 23 cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly đã được UBND TP chấp thuận với tổng số hơn 1.700 buồng/phòng.

Hiện nay, Sở Du lịch TP.HCM đang phối hợp với Sở Y tế tiếp tục thẩm định để đề xuất 26 cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly có trả phí với công suất dự kiến hơn 1.300 phòng. Trong đó có hai du thuyền năm sao; 17 khách sạn ba sao; hai khách sạn hai sao và năm khách sạn một sao.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, để trở thành điểm lưu trú dùng để cách ly nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đó là sự lựa chọn khó khăn của các khách sạn, vì việc phục vụ khách cách ly phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu dịch tễ của ngành y tế. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.