Những năm trước bà con ở các tỉnh Tây Nguyên đổ xô về các trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng,TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk, gần Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên) để mua sưa giống về trồng với giấc mơ “hốt bạc”.
Năm nay thì loại giống cây này ế ẩm, bán chẳng ai mua, giá rớt thê thảm. Từ chỗ 15.000-16.000 đồng/cây, giờ đây chỉ còn 500-1.000 đồng/cây.
“Những năm trước thấy nông dân đổ xô tìm mua giống sưa về trồng, bán đắt như tôm tươi, giá cao mà không đủ cung cấp. Năm này tình hình ảm đạm quá, giá thấp chỉ bằng chưa tới 1/10 so với trước mà vẫn không có ai mua cả” - anh Bảy, chủ cơ sở giống cây trồng ở đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột chia sẻ.
Cũng giống như anh Bảy, anh Đức - chủ cơ sở cây giống ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột năm nay cũng ươm hàng chục ngàn cây sưa giống với ước mơ bán “đắt như tôm tươi”. Có điều từ đầu mùa mưa tới giờ, anh mới bán được vài chục cây, mà giá lại rẻ như bèo.
Anh Đức than thở: “Đúng là không có cái dại nào như cái dại nào! Những năm trước cầu vượt cung, năm nay cung lại vượt cầu rất xa. Những tưởng với hàng chục ngàn cây sưa giống này sẽ kiếm được chút lợi nhuận, ai dè tình trạng ế như thế này chúng tôi không bù được chi phí bỏ ra để ươm cây”.
Cây sưa còn có tên gọi khác là trắc thối, huỳnh đàn… (tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu). Những năm trước, có tin đồn giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Nhiều người cho rằng quan tài đóng bằng gỗ sưa có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy…
Chính vì tin đồn này mà không ít người Việt đổ xô đi săn lùng gỗ sưa bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao (thậm chí 9-10 tỉ đồng/tấn) hoặc đổ xô vào trồng cây sưa, đẩy sưa giống lên cao chót vót. Thế nhưng gần đây thương lái Trung Quốc “lặn biệt tăm”.
Giá sưa giống rớt thê thảm, chỉ còn 500-1.000 đồng/cây.
Ông Huỳnh Ngọc Tư, kỹ sư trong ngành nông nghiệp ở Đắk Lắk cho biết hiện nay vẫn chưa có một đơn vị nhà nước nào đánh giá được giá trị thực của loại cây này.
Hơn nữa đây là loại cây phải trồng rất lâu năm mới cho thu hoạch và khi thu hoạch rồi bán cho ai, ở đâu cũng chưa rõ. Và khi “ngộ” ra thực tế này, nông dân ngoảnh mặt với cây sưa một thời được gọi là “cây mắc hơn vàng”.