Làm giảng viên kiêm luật sư, được không?

Tại phiên họp cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã cương quyết phản đối...

Chúng tôi đã ghi nhận được hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Giảng viên luật đồng tình

Theo TS Nguyễn Thanh Bình (Phó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn), nên cho phép đội ngũ giảng viên đang giảng dạy luật được làm luật sư vì ba lý do sau:

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên luật có nền tảng kiến thức pháp luật tốt, có sự đầu tư, nghiên cứu pháp luật khá sâu, nếu được hành nghề luật sư thì đây sẽ là nguồn luật sư có trình độ.

Thứ hai, tuy rằng giảng viên luật có trình độ, kiến thức pháp luật nhưng chủ yếu đó cũng chỉ là kiến thức về mặt học thuật, lý luận, đa số còn thiếu kiến thức thực tiễn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến giữa giảng dạy và học tập có khoảng cách nhất định. Nếu giảng viên kiêm nhiệm cả việc hành nghề luật sư thì những khiếm khuyết này sẽ được khắc phục. Công tác đào tạo nguồn pháp luật sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thứ ba, đội ngũ luật sư đang thiếu về số lượng và trình độ pháp luật chưa cao, chưa đáp ứng các nhu cầu của xã hội, nhất là yêu cầu hội nhập quốc tế. Đội ngũ giảng viên luật tham gia hành nghề luật sư sẽ giúp đội ngũ luật sư nâng cao được chất lượng lẫn số lượng.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích thêm: Ở một khía cạnh nào đó, hiện nhiều luật sư chưa sống được bằng nghề mà một trong những lý do là kiến thức pháp lý, kỹ năng tranh luận, trình độ ngoại ngữ… còn hạn chế, gây mất lòng tin cho thân chủ. Đội ngũ giảng viên luật hiện nay lại đáp ứng khá tốt các yêu cầu này. Mặt khác, đội ngũ giảng viên khi hành nghề luật sư chỉ mang tính chất làm công việc phụ trợ thêm vì giảng viên phải làm tốt nghĩa vụ giảng dạy theo quy định. Do vậy, cho phép giảng viên tham gia làm luật sư sẽ có lợi cho chính đội ngũ luật sư...

Làm giảng viên kiêm luật sư, được không? ảnh 1

Việc giảng viên kiêm luật sư còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD

Giới luật sư phản đối

Luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) lại cho rằng quy định như dự thảo là một bước thụt lùi so với Luật Luật sư hiện hành. Hiện nay, Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan đều không thừa nhận việc kiêm nhiệm đối với người hành nghề luật sư. Bởi lẽ việc kiêm nhiệm làm cho tính chuyên môn hóa, sự tập trung đầu tư cho nghề bị dàn trải, hiệu quả không cao. Mặt khác, công tác giảng dạy pháp luật đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian, công sức để vừa đảm bảo đủ thời lượng giảng dạy, vừa đủ số lượng đề tài nghiên cứu khoa học. Như vậy, nếu cho giảng viên được hành nghề luật sư thì chẳng những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn làm cho việc hành nghề luật sư cũng bị ảnh hưởng.

“Mới đây, tôi dự một phiên tòa sơ thẩm kéo dài đến 23 ngày. Nếu là một giảng viên kiêm nhiệm luật sư thì liệu có thời gian tham gia được không? Liệu có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ hay không” - luật sư Tòng đặt câu hỏi.

Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM (xin giấu tên) kể lại một câu chuyện: Gần đây ông cùng một luật sư nguyên là giảng viên luật hình sự của một trường ĐH ở TP.HCM cùng tham gia vào một vụ án hình sự với tư cách là luật sư của hai bên đối nghịch. Cán bộ tố tụng tiến hành giải quyết vụ án lại là học trò cũ của luật sư kia nên ông đã bị “phân biệt đối xử” rất rõ.

Vị luật sư này khẳng định mối quan hệ thầy trò với giảng viên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự khách quan của cán bộ tố tụng khi giải quyết vụ án. Do vậy, ông đề nghị không nên cho giảng viên được làm luật sư để tránh gặp những trường hợp tương tự.

Liên đoàn Luật sư ủng hộ việc kiêm nhiệm

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đồng thuận với quan điểm của Bộ Tư pháp, Chính phủ là nên cho phép giảng viên đang giảng dạy ngành luật được kiêm nhiệm thêm nghề luật sư. Hiện chúng ta đang tận dụng mọi nguồn lực của xã hội để phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu đất nước đang đặt ra. Trong đó có sự tận dụng chất xám của đội ngũ các giảng viên luật trong việc đóng góp về các dịch vụ pháp lý chất lượng cao. Các giảng viên luật là những người vừa có trình độ, kiến thức pháp luật chuyên sâu, vừa đảm bảo các kỹ năng lý luận, tranh tụng, ngoại ngữ nên đây là nguồn lực có thể đóng góp đáng kể cho việc phát triển số lượng, nâng chất lượng cho đội ngũ luật sư Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích có thể mang lại cho sự phát triển của luật sư Việt Nam, bản thân những giảng viên cũng thu được những bài học thực tiễn quý giá để phục vụ cho công tác giảng dạy, đào tạo. Từ đó, việc đào tạo cũng sẽ được nâng cao hơn khi gắn được thực tiễn vào lý thuyết. Chỉ có một băn khoăn là việc thực hiện một lúc hai vai sẽ khiến công việc của họ bị đội lên, quá tải. Điều này đòi hỏi các giảng viên phải có sự điều chỉnh hợp lý để phân bổ thời gian cho phù hợp.

Luật sư ĐỖ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Không nên

Nếu cho phép việc này thì sẽ tạo ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng. Việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng.

Ông NGUYỄN VĂN HIỆN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Bước lùi?

Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cho phép công chức, viên chức làm công tác giảng dạy được phép hành nghề luật sư. Đến khi làm Luật Luật sư năm 2006, Quốc hội đã cân nhắc và quyết định không đưa vấn đề này vào, dẫn đến việc những đối tượng kiêm nhiệm này buộc phải từ bỏ một trong hai vai. Giờ đưa lại vấn đề này vào dự thảo sửa đổi luật liệu có phù hợp?

Ông PHAN TRUNG LÝ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Có lợi

Công tác đào tạo, giảng dạy pháp luật tại các trường của chúng ta hiện đang bị các nước cho rằng mang tính hàn lâm, thiên về học thuật là chính. Nguyên do là đội ngũ những người làm công tác giảng dạy thiếu thực tiễn. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải sửa từ cái gốc, đó là cho phép đội ngũ giảng viên được va chạm với thực tiễn thông qua việc hành nghề luật sư. Cho phép giảng viên dạy luật được hành nghề luật sư chẳng những nâng cao chất lượng cũng như số lượng cho đội ngũ luật sư mà còn hòa trộn được tính hàn lâm vào tính thực tiễn để phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy.

TS NGUYỄN MINH HẰNG,  Trưởng bộ môn Tranh tụng dân sự Học viện Tư pháp

Tránh xung đột

Tôi ủng hộ việc cho giảng viên luật làm luật sư. Tuy nhiên, các nhà làm luật cần lưu ý để tránh xảy ra xung đột với các quy định của pháp luật về công chức, viên chức.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm