Làm giàu từ nghề “hạ bạc”

Đưa tay chỉ chồng chổi đót cao nghều trong nhà xưởng với 11.000 cây, anh Huỳnh Cư, ở thôn Gia An, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), nói: “Cũng nhờ cây rừng hoang này mà mình sống được. Lâu rồi cây chổi đót của mình xuất vô các tỉnh phía Nam. Rồi được đà xuất sang thị trường nước ngoài”.

Len lén... làm chổi bán

Chuyện đến với nghề làm chổi đót của anh Cư bắt đầu từ sự nghèo khó. Năm 1989, xuất ngũ trở về làm nông, cưới vợ. Khi đó chưa có hồ chứa nước Núi Ngang nên đất đai vùng Gia An khô cằn. Cuộc sống khó khăn nên anh quyết định đi bứt đót làm chổi bán. Nhưng lúc đó tâm lý của người quê nặng nề lắm. Họ xem cái nghề làm chổi là “hạ bạc”, dành cho những hộ nghèo rớt mồng tơi mà thôi. Biết thế nên anh chỉ còn cách lén làm và lén bán. Anh kể: “Mình rời nhà khi gà gáy sáng, đạp xe lên tận miền núi Ba Tơ, vào những khu rừng hoang để bứt đót. Rồi canh chừng đạp xe chở đót về nhà khi trời đã tối đen”.

Đót chở về, vợ chồng lại lén mang ra phía sau nhà phơi khô. Rồi đêm xuống để không ai nhìn thấy, vợ chồng anh đóng tất cả cửa trong nhà rồi đốt đèn dầu, bó chổi. Đến khoảng 4 giờ sáng khi gà mới gáy, vợ chồng lại len lén chở chổi đót ra tận chợ Thi Phổ cách nhà vài chục cây số bán. Có hôm mệt quá vợ chồng ngủ say, đến khi thức dậy trời đã trưa trật không đi bán được, vợ anh - chị Nguyễn Thị Lệ cằn nhằn: “Khổ quá anh ơi. Có đi ăn trộm của ai đâu mà cứ phải len lén lun lút”. Nhưng sau đó vợ chồng bảo nhau nếp quê là vậy nên mình chỉ còn cách làm như thế để có tiền nuôi sống gia đình...

 
Anh Huỳnh Cư kiểm tra lại lô hàng 11.000 cây chổi đót để đưa vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Cái nghề hạ bạc len lén lun lút ấy vậy mà so với chuyện bới đất lật cỏ trồng lúa, trồng khoai vẫn khá hơn nhiều nên vợ chồng Cư quyết định công khai với mọi người về chuyện bứt đót làm chổi bán, mặc cho mọi người nghĩ về họ thế nào cũng được.

Sau tết Nguyên đán, đót trên rừng trổ bông, anh bảo vợ chuẩn bị gạo, mắm, cá khô đi bứt đót. Ngày đi bứt, đêm về xin nhà dân ở cạnh những bìa rừng cho ngủ nhờ và xin phơi tạm số đót bứt được. Chừng mười ngày nửa tháng khi đót bứt được kha khá, anh bó lại chở về nhà. Còn vợ anh vừa chăm con vừa bó chổi bán cho các đại lý. Đồng tiền kiếm được không dám tiêu xài mà dành đem mua đót của những hộ đồng bào dân tộc nghèo khó để có nguyên liệu làm chổi quanh năm.

Làm ăn lớn

Khi những cánh rừng ở miền tây Quảng Ngãi biến thành những đồi keo nguyên liệu thì anh lại ra tận huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Rồi nguồn đót ở Quảng Ngãi, Quảng Nam khan hiếm, anh lại mở lối lên Gia Lai, Kon Tum và bây giờ mua đót nhập về từ đất bạn Lào qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Ở miệt núi rừng Tiên Phước hay miền tây Quảng Ngãi mùa mưa thường đến sớm, biết bao bận mưa giông buổi chiều đi bứt đót bị vắt rừng cắn. Có hôm bứt đót về, qua suối nước dâng cao, anh đành nằm lại giữa rừng. Đót bứt được rồi gom thành bó, anh lại cút kít đạp xe vượt cả trên 100 km để chở về nhà làm chổi bán. “Nhưng hồi đó cực quá nên chỉ biết cố gắng và cố gắng mà thôi” - anh Cư bộc bạch.

Chổi đót làm càng nhiều, anh Cư bám xe đò vào TP.HCM rồi tất tả mang những mẫu chổi đót lên xe đò về tận huyện Cái Dầu (An Giang), rồi Cần Thơ, Rạch Giá. Có chuyến hàng ế, anh đi tàu khách ra tận Phú Quốc tiếp thị hàng. Cũng từ những chuyến đi tiếp thị, anh hiểu cũng cây chổi đót nhưng người tiêu dùng thích nhiều loại khác nhau nên anh sản xuất chổi đót bó dây mây và cả chổi đót cán bịt nhựa hay chổi đót bó bằng sợi nylon.

Làm ăn chỉn chu nên các mối lái tìm đến anh càng nhiều. Năm 2002, một công ty ở TP.HCM đặt anh 50.000 cây chổi đót để xuất khẩu sang Malaysia. Anh lại bắt tay làm hàng xuất khẩu.

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết: Anh Huỳnh Cư là nông dân sản xuất giỏi của huyện giai đoạn 2000-2010. Cũng từ anh và một vài người đã góp phần hình thành làng nghề làm chổi đót ở xã Phổ Phong, tạo công ăn việc làm nhất là thời điểm nông nhàn cho hàng ngàn lao động.

Huỳnh Cư trăn trở: “Bây giờ cái nghề này không còn hạ bạc nữa. Nhưng muốn tiếp thị tốt hơn có lẽ mình phải nhờ con dạy cho cái khoản học vi tính và nếu được thì giới thiệu trên mạng để khách hàng biết mà giao dịch tốt hơn”.

Đời mình “đen” để đời con sáng

Con gái của anh - cháu Huỳnh Thị Xuân Lai (sinh viên năm 3, ĐH Nông Lâm TP.HCM) và con trai Huỳnh Xuân Triều (sinh viên năm nhất, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) hồi còn nhỏ thấy anh đi bứt đót người ốm nhom, mặt mày đen nhẻm, tay chân bị lau lách cứa lằn ngang lằn dọc nên than phiền. Anh cười: “Đời ba đen nhẻm để đời con sáng hơn”. Mà chuyện “sáng hơn” giờ đã sáng thật. Bây giờ anh Cư đã có tài sản là ngôi nhà lầu đầy đủ tiện nghi, một xe ô tô để tiện cho việc giao dịch. Đưa tôi vào nhà xưởng khá rộng, đót xếp chật trong chật ngoài. Anh nói: “Lúc cao điểm có vài chục lao động, còn bình thường thì trên chục người làm quanh năm”. Đưa tay nhẩm tính, anh nói bình quân mỗi tháng cơ sở tiêu thụ khoảng năm tấn đót làm thành phẩm khoảng 10.000 cây. Lúc có hợp đồng lớn thì phải đi thu gom ở một số cơ sở khác.

Làm ăn khấm khá nhưng Huỳnh Cư càng không quên những tháng năm khốn khổ của đời mình nên thường hay giúp bà con chòm xóm. Chị Huỳnh Thị Mỹ Lệ nói: “Thằng Cư “chổi đót” sống có tình lắm. Nó cứ bảo tui cố gắng làm nuôi con ăn học. Đời mình học ít thì cố gắng cho con học nhiều hơn. Mấy khi đau ốm, thuốc thang đều nhờ vào nó”...

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm