Làn sóng phẫn nộ vụ du học sinh Trung Quốc bị bắn chết ở Mỹ

Vụ việc một du học sinh Trung Quốc bị bắn chết tại Mỹ đã gây ra làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc và cộng đồng du học sinh của nước này trên toàn thế giới, báo South China Morning Post đưa tin vào ngày 17-1.

Trước đó, anh Fan Yiran (30 tuổi), du học sinh bậc Tiến sĩ tại ĐH Chicago, hôm 9-1 đã bị một tay súng đi lang thang bắn vào đầu khi đang ngồi trong xe.

Tay súng cũng đã bắn chết anh Anthony Faukner (20 tuổi), nhân viên bảo vệ Aisha Nevell (46 tuổi) và khiến bốn người bị thương trước khi bị cảnh sát bắn hạ.

Một số hãng truyền thông ở Trung Quốc đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.

Báo Shanghai’s Xinwin Evening News đưa tin về cái chết của anh Fan với nội dung: “Bắn súng, bạo lực, chết chóc… Đây không phải là Gotham (thành phố tội ác trong phim Người dơi), mà là thành phố Chicago nổi tiếng của nước Mỹ”.

Đặc biệt, trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hashtag #ChicagoShootingSpreeFirstVictimisChineseDoctoralStudent đã được nhắc đến hơn 57 triệu lần.

Khi Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh đăng lời chia buồn về cái chết của anh Fan trên tài khoản xã hội chính thức vào ngày 11-1, dòng trạng thái cũng thu hút nhiều bình luận giận dữ.

Buổi cầu nguyện cho anh Fan Yiran hôm 14-1 ở ĐH Chicago. Ảnh: WEIBO

Anh Tim Yang - nghiên cứu sinh Trung Quốc tại ĐH Purdue - cho biết anh bị bất ngờ bởi sự ngẫu nhiên của vụ giết người: “Tôi đã lái xe ngang qua nhà để xe nơi anh Fan bị bắn. Có rất nhiều du học sinh Trung Quốc sống ở khu vực đó và điều này thật khó để chấp nhận”.

Anh Yang sau đó đã dành hàng giờ để xem qua các bài báo mô tả những gì đã xảy ra, thậm chí xem một loạt video mà tay súng đã đăng trên mạng xã hội.

Trong một diễn đàn trò chuyện, một sinh viên đã viết: “Chicago cần phải thực sự trấn áp mạnh tay, hầu như ngày nào cũng có cướp ở khu phố Tàu".

Theo anh Huang Qixuan - du học sinh Trung Quốc tại ĐH Western (Canada), việc Tu chính án thứ hai của Mỹ bảo vệ quyền công dân được giữ và mang vũ khí, về mặt nào đó, đã gây ra cái chết của anh Fan.

Vào thứ Năm tuần trước, ĐH Chicago đã tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để tôn vinh anh Fan Yiran.

“Toàn thể sinh viên, nhân viên và giảng viên tại trường sẽ nhớ đến anh Fan” - bà Malaina Brown, giám đốc chương trình Tiến sĩ tại ĐH Chicago, phát biểu.

Anh Fan không phải là du học sinh Trung Quốc đầu tiên bị sát hại trên đất Mỹ. Mặc dù khó có con số chính xác nhưng ông Wei Jiawei - người sáng lập một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở tại TP Thâm Quyến - ước tính rằng hàng năm đều có một trường hợp tương tự như anh Fan.

Vào năm 2018, cô Jiang Yue (19 tuổi), du học sinh Trung Quốc tại ĐH Bang Arizona, đã bị bắn chết. Tuy nhiên, đa số bình luận trên Weibo vào thời điểm đó đều là những lời chỉ trích về xuất thân giàu có của cô.

Theo Sở cảnh sát TP Chicago, vào năm 2020, thành phố này có số tội phạm bạo lực và số vụ xả súng giết người tăng 50% so với năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm