Lao động nhập cư Trung Quốc: Lương mất, tiền nhà vẫn phải trả

Dịch COVID-19 đã khiến hơn 97.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.500 người tử vong, theo báo South China Morning Post. Trung Quốc đại lục vẫn là nơi có số người nhiễm và tử vong cao nhất thế giới chính vì vậy các nhà máy, doanh nghiệp ở lĩnh vực dịch vụ đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 1-2020.

Kinh tế chững lại, người lao động thiệt hại

Dữ liệu do South China Morning Post ghi nhận cho thấy hoạt động trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất được ghi nhận trong tháng 2 vừa qua.

Dù chưa có con số thống kê thiệt hại chính thức tại Trung Quốc nhưng các nhà kinh tế học cho rằng lực lượng lao động di cư của Trung Quốc là những người “dễ bị tổn thương nhất” bởi sự gián đoạn của hoạt động sản xuất này.  

Một bến xe đường dài ở Bắc Kinh đóng cửa vì dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Nhà phân tích Ernan Cui tại Công ty Nghiên cứu Gavekal Dragonomics ước tính rằng dịch COVID-19 có thể khiến tổng thu nhập của công nhân nhập cư Trung Quốc mất đi 800 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 115 tỉ USD. Đó là khoản tiền mà theo ông Cui thì sẽ khó có thể thu hồi được nếu làm việc nhiều giờ khi dịch bệnh qua đi.

“Những người di cư ở nông thôn cũng đã dần trở lại với công việc nhưng quá trình này vẫn còn quá chậm. Họ chủ yếu là những người làm công ăn lương ở các ngành như sản xuất, xây dựng, dịch vụ gia đình và bán lẻ. Cho nên mất một ngày đi làm là mất thu nhập cho một ngày đó” - ông Cui viết trong một nghiên cứu của mình.

“Các lĩnh vực có lao động tại các nhà máy và lương tương đối thấp là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch”.

Một người bán hàng tạp hóa tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNN

“Mất việc làm do ảnh hưởng của dịch cũng khiến thu nhập của người lao động nhập cư giảm 5% trong năm nay” - nhà nghiên cứu Zhang Hengchun của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nói với truyền thông nước này hôm 4-3.

Khoảng 60% công nhân nhập cư phải rời xa quê hương để làm việc tại nơi khác, trong đó hơn 75 triệu người đi tới các tỉnh, thành khác. Khoảng một nửa số lao động nhập cư thuộc ngành sản xuất và xây dựng, theo khảo sát hằng năm mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia với 226.000 lao động nhập cư nông thôn năm 2018.

Lương không có, tiền nhà vẫn trả đủ

South China Morning Post tìm hiểu về một trường hợp người lao động nhập cư bị ảnh hưởng do thiếu việc làm mùa dịch. Đó là cô Lily Zhu, một công nhân nhập cư đến từ tỉnh Hồ Nam (phía nam Trung Quốc), đang là quản lý bán hàng tại một nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh, nói rằng có thể trong tháng 2, 3 và cả tháng 4 cô không được trả lương.

Cô nói nhà hàng của cô, cũng như nhiều nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, vẫn đóng cửa do sự bùng phát của dịch COVID-19.

“Tôi đã chờ đợi nhà hàng gọi trở lại làm việc ở Bắc Kinh nhưng thông báo mới nhất là khoản thanh toán tiền lương cơ bản của tôi trong tháng 2 đã bị hoãn lại” - cô Zhu chia sẻ từ quê nhà của mình.

“Lương của tôi đã bị chững lại nhưng các khoản thanh toán khác không thể dừng lại như phải trả tiền mua trả góp nhà ở Hồ Nam hay tiền thuê căn hộ tại Bắc Kinh” - cô cho biết thêm.

Cô Zhu tiết lộ mình đã kiếm hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.437 USD) một tháng vào năm ngoái, chủ yếu là tiền hoa hồng khi đặt bàn và các đơn đặt hàng đặc biệt như rượu vang... Nhưng giờ đây, cô thấy mình là một trong số gần 300 triệu công nhân nhập cư ở Trung Quốc đang gánh chịu sự “sụp đổ kinh tế” do dịch COVID-19.

Giải pháp

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc trước đó ước tính hơn 60% công nhân nhập cư sẽ trở lại làm việc vào cuối tháng 2-2020, kể cả những người đã làm việc từ giữa tháng.

Hiện hầu hết các tỉnh của Trung Quốc đã nới lỏng lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, thành trong cả nước, theo South China Morning Post. Bộ này nói có thể khoảng 100 triệu công nhân sẽ trở lại các thành phố lớn làm việc trong tháng 3 này.

Một tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Hôm 4-3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ở khu vực có nguy cơ dịch bệnh thấp không nên ngăn cản người dân quay trở lại làm việc. Theo đó, chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh cấp giấy chứng nhận sức khỏe để người lao động có thể rời quê và trở lại làm việc tại các nơi khác.

Tuy nhiên, do nhiều thành phố vẫn yêu cầu những người lao động trở về phải tự cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm trở lại. Thời gian đó họ sẽ không được trả tiền, nên mức độ ảnh hưởng đến người lao động nhập cư sẽ vẫn cao hơn.

Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ, 90% các nhà sản xuất lớn nhất của Trung Quốc 500 hoạt động trở lại nhưng chỉ có khoảng 60% công suất. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ 45% bắt đầu làm việc từ hôm 2-3 vừa qua. Chính vì vậy, rất nhiều chủ sở hữu lao động đang rất cần một lượng lớn công nhân để tái hoạt động doanh nghiệp.

Ví dụ như một doanh nghiệp tuyển dụng công nhân nhà máy ở TP Chu Hải, tuần này đã đưa ra mức lương trung bình hằng tháng cho công nhân từ 5.300-6.200 nhân dân tệ (khoảng 764 đến 900 USD), cao hơn nhiều so với mức lương trung bình hằng tháng năm ngoái là 3.962 nhân dân tệ (khoảng 577 USD) để thu hút người lao động.

Báo cáo truyền thông từ TP Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cho biết một số ngành dịch vụ như lau dọn hay giúp việc nhà vẫn còn thiếu lao động. Nguyên nhân nói rằng người lao động nhập cư, sau khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày, vẫn chưa tìm được việc đa phần chủ nhà còn lo lắng về dịch bệnh, theo South China Morning Post.

South China Morning Post nói rằng thu nhập từ các nhà máy, công trường xây dựng và công việc phục vụ tại các đô thị có ý nghĩa quan trọng đối với dân số nông thôn của Trung Quốc và vô cùng cần thiết để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và giúp người dân thoát khỏi đói nghèo tuyệt đối. Đó là những mục tiêu chính sách hàng đầu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng tới thực hiện tại quốc gia đông dân nhất toàn cầu này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm