Phát biểu trong họp báo ngày 5-3 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tất cả quốc gia dồn toàn lực chống dịch khi virus lây lan không ngừng trên toàn cầu, theo đài CNA.
"Dịch bệnh này hoàn toàn có thể bị đẩy lùi nhưng chỉ khi chính phủ các nước phối hợp toàn diện và nhịp nhàng. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia hành động với tốc độ, quy mô và sự quyết tâm cao độ" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Người đứng đầu WHO chia sẻ các quan chức y tế thế giới đều đang hết sức lo ngại về việc ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca bệnh COVID-19, đặc biệt là những quốc gia có hệ thống y tế chưa phát triển.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong họp báo ngày 5-3.
Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus cũng cảnh báo nhiều quốc gia hiện nay còn xem nhẹ mối đe dọa của COVID-19 và không thực hiện tất cả bước phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
"COVID-19 là mối đe dọa đối với mọi quốc gia, dù phát triển hay đang phát triển. Chúng tôi lo ngại ở một số nước, mức độ cam kết chính trị và những hành động chứng minh cho cam kết đó không xứng tầm với mức độ đe dọa mà tất cả chúng ta đối mặt" - Tổng Giám đốc WHO cho biết.
"Đây không phải là lúc để bỏ cuộc. Đây cũng không phải là lúc để đưa ra những lời bào chữa. Mà đây là lúc để dồn toàn lực" - ông Tedros nói thêm.
Theo Tổng Giám đốc WHO, một số quốc gia đã lên kế hoạch cho nhiều kịch bản như thế này trong nhiều thập niên trước và giờ là lúc chính phủ các nước này hành động dựa theo các kế hoạch đó.
"Điều tồi tệ nhất có thể diễn ra với bất kỳ quốc gia hoặc thậm chí bất kỳ cá nhân nào chính là khi họ chấp nhập bỏ cuộc. Đừng bỏ cuộc và đừng đầu hàng" - ông Tedros khích lệ.
Hồi tuần trước, WHO đã nâng đánh giá mức độ rủi ro của COVID-19 từ mức "cao" lên mức "rất cao" ở cấp độ toàn cầu. Dù vậy, tình hình hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện để WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu nên tổ chức này sẽ tránh dùng thuật ngữ để không gây ra hoang mang không cần thiết.
Tính đến chiều 6-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm virus COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục là 17.878 người, 345 trường hợp tử vong.
Đến nay, dịch bệnh đã lan đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn là châu Á với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu cũng đang nổi lên các điểm nóng đáng báo động ở Pháp, Ý và Đức.