Sở QH-KT TP.HCM vừa có báo cáo về công tác cải tạo cảnh quan tuyến đường Lê Lợi (quận 1), trong đó có đề xuất về việc làm mái che dọc tuyến này với kinh phí tầm 20-30 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này nhưng đề nghị cần tính toán hợp lý để phù hợp với cảnh quan chung của khu vực trung tâm TP.
Du khách đội nắng, dọc vĩa hè không một bóng cây
Ghi nhận thực tế giữa trưa Sài Gòn nắng oi ả ngày cuối tuần ở đường Lê Lợi cho thấy việc đi bộ trên vỉa hè con đường sầm uất này đúng là cực hình. Dù 12 giờ trưa nhưng du khách tản bộ dọc phía đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành vẫn rất tấp nập, nhiều du khách dùng mọi thứ có thể để che cái nắng gay gắt.
Phần đường này không một bóng cây, một vài hộ có mái che di động, ai ai cũng rảo bước thật nhanh để tránh cái nắng, có du khách dùng khăn phủ lên đầu, người mang dù, người đội nón đi qua con đường ngay trung tâm TP. Cũng có du khách chọn đi phía bên kia đường do có nhiều cây xanh phủ bóng.
“Lúc trước có cây xanh thì không sao nhưng khi làm metro xong thì đường trơ trọi. Tôi nghĩ phương án làm mái che cũng hợp lý vì sau này con đường này sẽ thành đường đi bộ, rất nhiều du khách qua lại” - anh Thông (ngụ 64 Lê Lợi, quận 1) cho biết.
Theo anh Thông, giải pháp trồng lại cây xanh nếu làm được là tốt nhất nhưng không biết khi trồng cây có ảnh hưởng đến không gian ngầm của tuyến metro phía dưới hay không.
“Với hiện trạng không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che vừa che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành” - Sở QH-KT TP lý giải cho việc đề xuất chọn mái che cho con đường này.
Theo sở này, phương án mái che sẽ đem lại những hiệu quả nhất định cho tuyến đường và cả khu vực trung tâm như: Thay thế dãy cây xanh bị di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch, tạo điều kiện kinh doanh cho chủ các dãy nhà và cửa hàng. Đồng thời giải pháp này cũng kết nối được về mặt kiến trúc, gắn kết mặt đứng kiến trúc của các dãy nhà phố, đồng bộ cách bố trí các biển quảng cáo về kích thước cũng như màu sắc, tạo thành một thể thống nhất với hệ thống mái che chạy xuyên suốt trục đường.
Du khách đi bộ trên vỉa hè đường Lê Lợi dưới cái nắng gay gắt vào trưa 26-3. |
Làm mái che cần tính toán đến nhiều yếu tố
Ủng hộ đề xuất này, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng giải pháp mái che là khả thi. Vì đây là khu vực sát phố đi bộ, thu hút rất nhiều người dân và du khách qua lại thì phải có mái che để che mưa, che nắng.
“Ở Singapore, những nhà sát đường hoặc nhiều con đường nhỏ vẫn có mái che kín. Còn đường Lê Lợi khá rộng nên giải pháp mái che là phù hợp, giúp du khách có thể tản bộ dọc đường này trong cả mùa mưa và mùa nắng” - ông Mười nói.
Ông Mười cũng cho rằng muốn biến đường này thành không gian đi bộ, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, khiến các dãy phố mua sắm ở đây sống động hơn thì làm mái che cũng là một giải pháp tốt. Về những lo ngại ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc, theo ông Mười, “thế giới họ cũng đã làm nhiều không gian đi bộ nên cũng không đáng lo ngại”.
“Mình phải tận dụng cơ hội làm nhanh và cần có các sáng kiến mới để thu hút khách du lịch, còn khi thiết kế mái che thì chắc chắn phải sao cho hài hòa với cảnh quan” - ông Mười nói.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM có khí hậu rất đặc biệt: Sáu tháng nắng và sáu tháng mưa nên việc che mưa nắng rất quan trọng. Tuy nhiên, mái che này không chỉ che mưa, che nắng mà cần rút bài học từ phố đi bộ Nguyễn Huệ. Bởi có thời điểm, nếu ra phố đi bộ thì sẽ không có ai và nắng hay mưa đều ế khách.
Trong khi đó, phố Lê Lợi sẽ có lượng khách lớn hơn, vừa mua sắm vừa du lịch, khu vực này lại là nơi di chuyển giữa hai ga metro sau này. “Trước đó đường Lê Lợi có hàng cây xanh rất đẹp, đã bị phá bỏ để phục vụ dự án, vì vậy việc cấp bách lúc này là cần trồng lại hai hàng cây ở tuyến đường Lê Lợi để tạo bóng mát” - ông Sơn nói.
Việc làm mái che, ông Sơn cho rằng cần tính toán hợp lý về mặt thiết kế để hài hòa với không gian chung. Mái che gắn với nhà dân, công trình lịch sử, chợ Bến Thành, một số nhà phố cũ, metro... Giữa công trình cũ và mới cần tính việc xuyên suốt hai bên đường dài, tránh đoạn có, đoạn không có mái che.
“TP cần tính toán làm cả đường Nguyễn Huệ để đảm bảo yếu tố hài hòa cho cả khu vực. Mặt khác, đối với cả hệ thống bảng hiệu, quảng cáo cũng cần xem xét… Sau đó cần lấy ý kiến người dân để mang lại hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của người dân” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Ở góc nhìn khác, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng chưa nên làm mái che vào lúc này vì đường Lê Lợi cũng chưa thể thành phố đi bộ như Nguyễn Huệ ngay được.
Theo ông Cương, hệ thống giao thông quận 1 cũng cần quy hoạch lại để đảm bảo giao thông (về lưu thông dòng xe, về chỗ đậu xe) thì mới có thể làm thành đường đi bộ. Vì vậy, thay vì mái che, ông Cương cho rằng nên trồng ngay cây xanh. Đợi một vài năm nữa phủ bóng mát thì vẫn khả thi và theo kịp quy hoạch.
“Ở nhiều quốc gia vẫn làm mái che vỉa hè, trong những khu vực mua bán sầm uất. Mái che giúp ích cho người đi đường dọc phố được tiện lợi hơn, cả về mua bán nhưng có trở ngại về mặt cảnh quan. Nó có thể tạo ra một kiểu kiến trúc chắp vá. Mình làm mái che tạm thì có vẻ hợp lý hơn, chứ tạo một kiến trúc lâu dài thì dần nó sẽ thành ấn tượng cảnh quan” - ông Cương nói.•
Kinh phí làm mái che khoảng 20-30 tỉ đồng
Mái che đường Lê Lợi được đề xuất với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới, kích thước mái che vươn ra 4 m. Vỉa hè mỗi bên trung bình 5,5-6 m: Bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4 m. Mái che có màu sắc nhẹ nhàng, thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.
Kinh phí ước tính sơ bộ bước đầu khoảng 20-30 tỉ đồng (bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công...). UBND quận 1 có thể xem xét, xin ý kiến UBND TP về nguồn xã hội hóa, đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (được thụ hưởng từ việc lắp mái che) để thực hiện hoặc từ nguồn ngân sách địa phương.