Lấy hình ảnh ca sĩ in lên áo, lên ly bán có thể bị khóa tài khoản

(PLO)- Các sản phẩm trong ngành hàng làm đẹp như móng tay giả, tóc giả... của nhà bán hàng Việt Nam lần đầu tiên lọt top 5 ngành hàng bán chạy trên Amazon.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-10, Hội nghị Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Amazon 2023 chính thức được tổ chức tại TP.HCM với chủ đề “Vững bước tăng trưởng”.

Ông Eric Broussard, Phó chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối đối tác bán hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng sản phẩm.

Xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam qua Amazon tăng trưởng 50%

Theo đó, bất chấp những suy thoái kinh tế và thách thức của thị trường thương mại toàn cầu, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bán hàng trên Amazon năm 2023 bứt tốc mạnh mẽ khi tăng 50%.

“Trong vòng 12 tháng, tính đến 31-8-2023, có hơn 17 triệu sản phẩm made-in- Vietnam trên Amazon được bán ra từ hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất, hạt điều hữu cơ đến đa dạng các sản phẩm có yếu tố bền vững”- ông Eric thông tin.

Cũng theo vị này, trong vòng một năm số lượng nhà bán Việt Nam trên Amazon tăng 40%, với 5 nhóm ngành tiêu biểu gồm: nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.

Ông Trần Xuân Thủy, giám đốc khu vực miền nam Global Selling Việt Nam, nhìn nhận đây là năm đầu tiên nhóm ngành làm đẹp như móng tay giả, tóc giả… của các đối tác bán hàng việt Nam lọt vào top 5 ngành hàng được yêu thích nhất trên Amazon. Đây là một nỗ lực không ngừng trong việc mang sản phẩm Việt ghi dấu ấn ở thị trường quốc tế.

Chính vì thế trong năm 2024, đơn vị sẽ có những chiến lực để tiếp tục tăng tốc vị thế Việt Nam trong TMĐT toàn cầu như đặt mục tiêu mở rộng danh mục ngành hàng và kết nối chuỗi cung ứng.

Trong tháng 11 và 12 tới đây, Amazon sẽ mở rộng nhà vận chuyển và phương thức vận chuyển (thêm đường biển) cho nhà bán Việt lựa chọn.

Doanh nghiệp Việt nên thay đổi ra sao để xây dựng các thương hiệu toàn cầu?

Theo ông Gijae Song, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, việc bán hàng điện tử xuyên biên giới là cơ hội như nhau cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả bạn là DN lớn hay nhỏ.

amazon.jpg
Ông Gijae Song, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. ẢNH: THU HÀ

“Theo tôi có những nhà bán (saller) không thành công khi kinh doanh trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới, không đến từ việc bạn là DN lớn hay nhỏ mà do họ chưa hiểu đúng hoặc chưa tìm hiểu đủ nhu cầu của khách hàng quốc tế, để cải tiến sản phẩm của mình phù hợp hơn với thị trường quốc tế. Có một sự thật là những DN thành công trên Amazon hầu hết đều xuất phát từ những saller rất non trẻ và nhỏ"- ông Gijae Song nói.

Cũng theo vị này, có một tâm lý bán hàng mà các nhà kinh doanh Việt cần phải thay đổi khi kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, đó là mang nguyên sản phẩm đang bán tốt ở Việt Nam để áp dụng cho nước ngoài.

Trong khi đó, mỗi thị trường sẽ có một nhu cầu khác nhau, hãy bán cái khách hàng cần chứ đừng bán cái chúng ta có. Vị giám đốc này cho rằng, các saller không nên quá nôn nóng, mà nên thử nghiệm thay đổi sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu quốc tế.

Ngoài ra, DN Việt cần nâng cao kiến thức, yêu cầu pháp luật (nhất là vấn đề sức khỏe con người), kỹ năng khi bán hàng online trên thị trường quốc tế. Cần chú trọng đến vấn đề bản quyền - điều mà các DN khởi nghiệp hay gặp phải.

"Tôi lấy ví dụ chúng ta thường lấy hình ảnh 1 ca sĩ hay 1 bộ phim nổi tiếng để in lên áo, lên ly để bán. Thế nhưng đến một thời điểm nào đó, hành vi này sẽ bị hệ thống của Amazon truy quét và khóa tài khoản dù bạn đang kinh doanh tốt ra sao"- ông Gijae Song lưu ý.

Thông tin từ Amazon Global Selling cũng chỉ ra, các DN Việt có thể tận dụng mạng lưới phủ rộng của Amazon để tiến sâu vào các thị trường quốc tế tiềm năng như khu vực Bắc Mỹ (gồm ba thị trường Hoa Kỳ, Canada, Mexico), khu vực châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha) hay các thị trường UAE, Nhật Bản, Singapore, Úc...

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Việt Nam, Bộ Công thương, đánh giá: TMĐT đã giúp các DN dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh. Từ đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

"Việc ứng dụng TMĐT trong kinh doanh nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và tạo nhiều điều kiện để phát triển" - bà Việt Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm