Ngày 7-5, trong cuộc họp các ngoại trưởng Ả Rập tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập ở Cairo (Ai Cập), Liên đoàn Ả Rập chính thức tái kết nạp Syria, theo hãng tin Reuters.
Quyết định của Liên đoàn Ả Rập đồng nghĩa với việc cho phép Syria có thể ngay lập tức tham gia các cuộc họp của khu vực, kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng do nội chiến ở Syria, bao gồm việc người tị nạn chạy sang các nước láng giềng và buôn lậu ma túy trong khu vực.
Đây được cho là một nỗ lực của các nước Ả Rập tiến tới bình thường hoá quan hệ với chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau hơn một thập niên “đóng băng”.
Toàn cảnh phiên khai mạc cuộc họp của các ngoại trưởng Ả Rập tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập ở Cairo (Ai Cập) ngày 7-5. Ảnh REUTERS |
Tuy nhiên Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập - ông Ahmed Aboul Gheit nói rõ với các phóng viên rằng "việc gỡ bỏ đình chỉ đối với Syria không đồng nghĩa với việc buộc các nước Ả Rập phải bình thường hoá quan hệ với Damascus, đây là một quyết định có chủ quyền đối với mỗi quốc gia".
Trong khi các quốc gia Ả Rập như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thúc đẩy việc chấm dứt sự cô lập đối với chính phủ ông al-Assad thì một số quốc gia khác vẫn phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Hãng thông tấn nhà nước Qatar QNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar cho biết quan điểm của nước này về bình thường hóa không thay đổi, và hy vọng sự đồng thuận trong khu vực về Syria có thể là "động cơ để Syria giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng".
Phần mình, Syria kêu gọi các quốc gia Ả Rập thể hiện "sự tôn trọng lẫn nhau".
Trước mắt, trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Syria, Jordan, Saudi Arabia, Iraq, Lebanon, Ai Cập và Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập quyết định thành lập một nhóm cấp bộ trưởng để liên lạc với chính phủ Syria để tìm kiếm các giải pháp chính trị, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc viện trợ Syria.
Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit (trái) và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry trong phiên khai mạc cuộc họp các ngoại trưởng Ả Rập tại Trụ sở Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập ngày 7-5. Ảnh: REUTERS |
Quyết định của Liên đoàn Ả Rập tái kết nạp Syria được cho là nỗ lực thúc đẩy khu vực của thế giới Ả Rập, bất chấp phản ứng của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn "hoài nghi về việc ông al-Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria".
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington "không tin rằng Syria xứng đáng được gia nhập Liên đoàn Ả Rập vào thời điểm này”, và các biện pháp trừng phạt của Washington với Syria sẽ vẫn có hiệu lực đầy đủ.
Ở phía ngược lại, Nga - đồng minh của Syria, lại ca ngợi việc tái gia nhập của Damascus và Liên đoàn Ả Rập.
"Moscow hoan nghênh nỗ lực này, đây là điều chúng tôi chờ đợi đã lâu, đây là kết quả hợp lý và xứng đáng cho nỗ lực đưa Syria trở lại “gia đình Ả Rập”" - theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.