Liên hợp quốc, nhiều nước lo viễn cảnh Trung Đông chìm sâu xung đột

(PLO)- Tình hình nhân đạo ở Dải Gaza báo động thêm từng giờ, từng ngày, trong khi các nước lớn lo ngại xung đột Israel - Hamas có thể lan rộng ra toàn Trung Đông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres báo động rằng xung đột Israel - Hamas đang khiến Dải Gaza rơi vào tình trạng khẩn cấp, cạn kiệt điện, nước, thuốc men và các nguồn cung thiết yếu khác. Trong khi đó, các nước lớn trong và ngoài khu vực đang tăng tốc nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc chiến lan rộng ra toàn Trung Đông.

Dải Gaza “đang bị bóp nghẹt”, LHQ cảnh báo khẩn

Ông Guterres cho biết LHQ và các cơ quan nhân đạo khác đã làm việc suốt ngày đêm để chuẩn bị viện trợ cho Dải Gaza kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tuần trước. Ở cả hai bên, hàng ngàn người đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương. Riêng ở Dải Gaza đã có khoảng 1 triệu người buộc phải di tản khi tình hình nhanh chóng xấu đi và phía Israel cảnh báo đang chuẩn bị tổng tiến công lãnh thổ này.

“Trong thời điểm nguy cấp như lúc này, khi chúng ta đang bên bờ vực thẳm ở Trung Đông, nhiệm vụ của tôi với tư cách là tổng thư ký LHQ là đưa ra lời kêu gọi nhân đạo mạnh mẽ dành cho hai bên” - ông Guterres lên tiếng.

Anh-bai-chinh-P16-dang-17-10-2023.jpg
Người dân Palestine tập trung bên ngoài cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập ngày 16-10, với hy vọng được phép rời khỏi Dải Gaza. Ảnh: REUTERS

Với lực lượng Hamas, ông Guterres kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện các con tin. Với Israel, vị tổng thư lý LHQ kêu gọi mở cửa cho phép viện trợ vào Dải Gaza, tạo điều kiện cho các nhân viên cứu hộ vào hỗ trợ dân thường.

“Các bên không nên biến chúng thành quân bài mặc cả, chúng phải được thực hiện vì đó là điều đúng đắn phải làm” - ông Guterres kêu gọi cả Hamas và Israel.

Người đứng đầu Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) Philippe Lazzarini cũng phát đi cảnh báo về tình hình nguy cấp ở Dải Gaza. Ông Lazzarini cho hay các nhân viên hiện trường của UNRWA lúc này không còn nguồn lực để hoạt động và sự hiện diện của LHQ ở đây dần không còn ý nghĩa.

“Các hoạt động của UNRWA là dấu ấn lớn nhất của LHQ tại Dải Gaza và chúng tôi đang trên bờ vực sụp đổ, không một giọt nước, không một hạt lúa mì, không một lít nhiên liệu nào có thể vận chuyển được vào Dải Gaza trong hơn một tuần qua” - ông Lazzarini nêu thực tế.

Nếu tình hình này kéo dài chắc chắn sẽ xảy ra khủng hoảng lương thực và thuốc men trên diện rộng. Người đứng đầu UNRWA thậm chí còn cho biết túi đựng xác lúc này cũng khan hiếm do lượng người thiệt mạng ngày càng tăng.

“Gaza đang bị bóp nghẹt… Cuộc vây hãm Gaza lúc này không khác gì một đòn trừng phạt giáng xuống đầu toàn bộ người dân ở đây” - ông Lazzarini tuyên bố.

Ngày càng nhiều ý kiến lo xung đột lan rộng

Xung đột Israel - Hamas càng kéo dài, nguy cơ lan ra khu vực càng lớn. Vừa chiến đấu với Hamas, Israel vừa phải đối mặt với đe dọa về nguy cơ xung đột rộng hơn trên các mặt trận mới. Không khó khoanh vùng đó là lực lượng Hezbollah hùng mạnh được Iran hậu thuẫn ở Lebanon (ở phía Bắc Israel) và các điểm bùng phát xung đột tiềm tàng ở Syria, theo đài CNN.

Một cuộc xung đột toàn khu vực lôi kéo nhiều phe cùng tham chiến là viễn cảnh khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Trả lời phỏng vấn đài CBS ngày 15-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng “Israel đang phạm sai lầm lớn” nếu có ý định chiếm đóng Gaza một lần nữa. Ông Biden nói rằng Mỹ ủng hộ Israel loại bỏ Hamas nhưng còn vấn đề lớn hơn là tư cách lãnh thổ của Dải Gaza cần phải được giải quyết thấu đáo, với lộ trình cho một nhà nước Palestine. Lâu nay ông Biden từng nhiều lần bày tỏ ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Israel - Palestine. Lần này, ông thừa nhận khả năng cao Israel sẽ không còn theo đuổi giải pháp này sau đợt tấn công của Hamas.

Ngày 16-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du thứ hai đến Israel tìm cách hạ nhiệt xung đột, theo đài CNN. Ông Blinken gần đây cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị, kêu gọi TQ sử dụng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông để hối thúc các bên kiềm chế, nhấn mạnh rằng ngăn chặn xung đột lan rộng là vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Hơn 1.400 người dân Israel thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công của Hamas nổ ra vào tuần trước. 289 binh sĩ Israel thiệt mạng trong các đợt giao tranh. Tại Dải Gaza, số người Palestine thiệt mạng là 2.750 người, gần 10.000 người bị thương. Số công dân Mỹ thiệt mạng tăng lên 30 người, 13 người vẫn mất tích, theo tờ The Wall Street Journal.

Ông Vương Nghị ngày 15-10 lên tiếng lo ngại rằng Israel đang hành động vượt quá “phạm vi phòng vệ”, kêu gọi Israel chấm dứt “trừng phạt tập thể” đối với dân thường tại Dải Gaza, theo tờ South China Morning Post (SCMP). “TQ phản đối và lên án mọi hành vi gây tổn thương dân thường, vì những hành động đó vi phạm các quyền cơ bản của con người và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Israel nên nghiêm túc lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - ngừng hành vi trừng phạt tập thể đối với dân thường tại Gaza” - ông Vương nói, đồng thời cho biết “TQ đang nỗ lực liên lạc để thúc đẩy các bên liên quan tiến tới một lệnh ngừng bắn”, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang xung đột và sớm tiến tới một cuộc đàm phán hòa bình. Ông Vương nhấn mạnh “ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho dân thường, khẩn cấp mở các kênh viện trợ nhân đạo, bảo vệ các nhu cầu cơ bản của người dân Gaza”.

Điện đàm với Tổng thống Iran Iran Ebrahim Raisi ngày 15-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị Iran thể hiện trách nhiệm và hành động nhằm tránh để xung đột lan rộng ra toàn khu vực. Công du đến Israel cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna khẳng định rằng Pháp cam kết kiểm soát xung đột ở Trung Đông.

Trong khi đó, các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập những ngày qua liên tục kêu gọi Israel đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình, quay lại đàm phán về giải pháp hai nhà nước nhằm mang lại một nhà nước khả thi cho Palestine, tránh đẩy xung đột lên cao hơn.

Tại cuộc họp khẩn cấp của khối ở Ai Cập tuần trước, các ngoại trưởng Ả Rập nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc nối lại tiến trình hòa bình và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc giữa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Israel”. Theo hãng tin Al Jazeera, động thái này là một phần của sáng kiến song song do Saudi Arabia dẫn đầu được thiết kế nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng, cũng như với mục tiêu khác là kêu gọi Israel mở cửa biên giới cho viện trợ nhân đạo tới tay người dân Palestine. •

Rộ tin đồn đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin nội bộ của Ai Cập cho hay Mỹ, Israel và Ai Cập đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn ở phía nam Dải Gaza bắt đầu từ ngày 16-10 (giờ địa phương). Lệnh ngừng bắn kéo dài 5 tiếng sẽ được áp dụng ở một số khu vực nhất định, mục tiêu là cung cấp viện trợ nhân đạo và cho phép công dân nước ngoài rời khỏi Gaza.

Dù vậy, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó ra thông báo cho biết không hề có thỏa thuận ngừng bắn nào ở miền Nam Dải Gaza. “Hiện tại không có lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo nào ở Gaza để đổi lấy việc đưa người nước ngoài ra ngoài” - thông báo phía Israel nêu rõ.

Đại diện truyền thông của Hamas cũng cho biết chưa xác thực được thông tin này. “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được xác nhận từ phía Ai Cập về việc mở cửa khẩu Rafah. Tất cả thông tin liên quan đến điều này đều xuất phát từ truyền thông Israel” - ông Salama Marouf, người đứng đầu cơ quan truyền thông của Hamas, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm