Theo Sputnik, kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã thực hiện năm vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa, trong đó có cả tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM). Nhiều chuyên gia quân sự Nga tin rằng vụ phóng thử tên lửa sáng 29-5 của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đưa toàn bộ các loại tên lửa đạn đạo vào phục vụ, có khả năng tấn công một loạt mục tiêu ở mọi tầm bắn.
Một vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-2 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Bao phủ mọi tầm bắn
Tên lửa đạn đạo được Bình Nhưỡng phóng sáng ngày 29-5 được xác định là Scud-B, một loại tên lửa tương tự tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17 Elbrus sản xuất từ thời Liên Xô.
Tầm bắn của R-17 Elbrus dao động từ 50 km đến 550 km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 10 kiloton đến 550 kiloton. Điều đáng chú ý là, nhờ sử dụng ba con quay hồi chuyển nên hệ thống dẫn đường của tên lửa R-17 có sai số trượt mục tiêu (CEP- Circular Error of Probability) chỉ ở khoảng 450m.
Nói cách khác, đây là một loại vũ khí rất uy lực, không chỉ rất chính xác mà còn có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng khi được sử dụng nhắm vào các lực lượng trên bộ hoặc một khu vực thành thị, theo các chuyên gia.
Các chuyên gia lưu ý, trước vụ phóng tên lửa Scud, Triều Tiên đã cho phóng thử hàng loạt tên lửa hiện đại khác. Hôm 14-5, quân đội Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwangson-12. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 5.000 km. Một tuần sau đó, ngày 21-5, khu vực Đông Bắc Á lại chấn động với vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất Pukguksong-2 thành công. Tên lửa này có thể vươn tới mục tiêu nằm ở khoảng cách hơn 500 km.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17 Elbrus. Ảnh: Sputnik
“Triều Tiên từng nói tên lửa Pukguksong-2 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này cũng có thể được phóng từ một phương tiện phóng di động và sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn mà các chuyên gia đánh giá sẽ giúp tên lửa khó bị phát hiện và phóng đi trong thời gian ngắn” – tờ The New York Times cho biết.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng trong vài tuần tới thế giới sẽ chứng kiến một vụ phóng thử tên lửa Taepodong-2 được cho là tên lửa đạn đạo chính của Triều Tiên. Tầm bắn của tên lửa này lên tới 7.000 km.
Chiến lược phòng thủ
Có vẻ như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang làm hết sức mình để đẩy nhanh quá trình ra mắt các tên lửa mới có trong kho vũ khí của đất nước này. Các chuyên gia chỉ ra rằng ba vụ thử tên lửa diễn ra trong ba tuần liên tiếp là ba tên lửa đạn đạo khác nhau. Điều này có thể được xem là giai đoạn cuối của quá trình xây dựng các lớp phòng thủ.
Theo một số chuyên gia, Bình Nhưỡng hiện xem Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương là mối đe dọa trực tiếp. Đó là lý do Triều Tiên nỗ lực tạo ra một chiếc ô hạt nhân đa tầng để phòng thủ càng sớm càng tốt.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodaryonok đặc biệt lưu ý tới giải pháp quân sự mà Washington nhiều lần đe dọa sử dụng để giải quyết vấn đề tên lửa của Triều Tiên.
“Hiện nay thời gian càng kéo dài càng có lợi cho ông Kim Jong-un. Ông Kim càng có nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau thì Washington càng gặp khó khăn hơn để sử dụng giải pháp quân sự. Triều Tiên đang cố thiết lập phòng tuyến bảo vệ đất nước mình càng nhanh càng tốt. Từ góc nhìn quân sự và quan điểm chiến lược, đây là cách duy nhất giải thích cho hành vi hiện tại của Bình Nhưỡng” – chuyên gia Khodaryonok nói.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov giải thích rằng một trong những lý do Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình tên lửa của nước này và do Hàn Quốc và Nhật Bản có ý định gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ đang ra sức phát triển.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ có Mỹ "một món quà lớn". Ảnh: Reuters
Franz Klintsevich, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Thượng viện Nga, nêu ý kiến rằng cách tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực là Mỹ và Triều Tiên ký một hiệp ước hòa bình.
“Việc ký kết một hiệp ước hòa bình giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ là cách tốt nhất, là điều có lợi cho các bên và sẽ góp phần vào một thế giới an toàn. Bằng cách ký hiệp ước, người Mỹ cũng sẽ có thể chứng tỏ rằng các hành động của họ trên bán đảo Triều Tiên không nhằm chống lại Nga hay Trung Quốc. Xét đến tâm lý của người Triều Tiên và tình hình bên trong nước này, Mỹ nên là nước mở lời trước” – ông Klintsevich nói.