Người dân Mỹ không trực tiếp bầu chọn tổng thống mà sẽ bầu cho các đại cử tri đã cam kết sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên nhất định. Quyền bỏ phiếu chọn tổng thống sẽ do các đại cử tri này quyết định.
Vẫn không loại trừ khả năng, dù rằng rất nhỏ, là các đại cử tri có thể "bất tuân lệnh" đầu phiếu phổ thông và "cướp" chiến thắng của ông Trump.
Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri, cộng thêm ba đại cử tri của Washington. Ứng viên muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng phải nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, hiến pháp hay luật liên bang Mỹ lại chưa có quy định buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện.
Các đại cử tri sẽ chia thành hai nhóm: Đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình. Một số đảng có thể quy định đại cử tri của đảng mình phải bầu cho ứng viên của đảng. Các đại cử tri làm sai cam kết có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ và sẽ bị thay thế bởi một đại cử tri "dự bị".
Các đại cử tri không tuân theo kết quả bỏ phiếu phổ thông được đặt biệt danh là những "đại cử tri không trung thành". Trong lịch sử, khoảng 99% các đại cử tri đều bỏ phiếu theo đúng như cam kết của mình, tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ. Các đời tổng thống Mỹ John Quincy Adams, Rutherford B. Hayes và Benjamin Harrison là trường hợp đắc cử tổng thống dựa việc các đại cử tri không bầu chọn theo cam kết.