'Lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến công ty xăng dầu không thể nhập khẩu'

(PLO)-  Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối, các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17.238.335 m3/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-10, Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao

Báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu 9 tháng đầu năm 2022, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là 20.722.039 m3/tấn xăng dầu các loại.

Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ảnh: BCT

Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ảnh: BCT

Ông Đông cho biết, ngày 24-2, Bộ ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II cho các DN đầu mối để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu trong nước không đạt kế hoạch. 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao nhập khẩu tăng thêm xăng là 840.000 m3; dầu là 1.560.000 m3.

Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối, các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17.238.335 m3/tấn.

Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao. Tuy nhiên, ông Đông cũng chỉ rõ một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong Quý IV phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, lượng xăng là 2.248.066 m3; bình quân 749.355m3/tháng; Diesel: 3.133.149 m3; bình quân 1.044.383 m3/tháng; Ma-dút: 110.497 tấn; bình quân 36.832 tấn/tháng; Dầu hỏa: 8.287 m3; bình quân 2.762 m3/tháng. Tổng cộng lượng xăng dầu là 5.500.000 m3/tấn; bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng.

Nhiều bộ, ngành chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn thị trường xăng dầu

Tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục cho hay các kiến nghị của hiệp hội về việc tháo gỡ những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay chủ yếu mới có Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ. Nhiều kiến nghị trong các cuộc họp trước chưa được các bộ, ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí lưu thông, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: BCT

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: BCT

Trong khi đó tới đây, đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các DN nhập thêm, nhưng với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD. Như vậy chi phí DN sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến DN không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Do đó, ông Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các DN có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho DN.

Đối với đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu là dùng Quỹ Bình ổn giá để bù cho premium, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay, việc trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá đã có một thông tư quy định trong nghị định và phải chi đúng mục đích. Bộ Công Thương sẽ trao đổi lại với Bộ Tài chính để thực thi đúng quy định.

Đối với các ý kiến về tổng nguồn, ông Đông cho biết Bộ Công Thương sẽ làm việc lại với DN để làm sao việc giao tổng nguồn khoa học và phù hợp nhất với điều kiện thực tế. Quan trọng nhất là đảm bảo đủ tổng nguồn phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong quý IV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm