Lo ngại tạo ra lỗ hổng trong sắp xếp nhà, đất của doanh nghiệp

(PLO)- Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách xin ý kiến về việc không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công do có ý kiến lo ngại sẽ tạo ra lỗ hổng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-11, tiếp tục phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy luật liên quan đến vấn đề tài chính - ngân sách, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo luật này cũng như ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH phát biểu tại tổ và hội trường, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước “chuyển giao về địa phương quản lý”.

Cụ thể, Điều 42a dự thảo luật quy định việc chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý được áp dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc và các tài sản khác hiện có tại trụ sở làm việc đó. Quy định này áp dụng với trường hợp cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc đã được giao, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc khác để thay thế.

Lo ngại tạo ra lỗ hổng trong sắp xếp nhà, đất của doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH

Trường hợp này, cơ quan nhà nước có tài sản chuyển giao và cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản chuyển giao có trách nhiệm thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quy định; không thực hiện thanh toán giá trị tài sản cho cơ quan nhà nước có tài sản chuyển giao.

“Việc xử lý tài sản sau khi chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý thực hiện theo quy định của Chính phủ” - dự thảo nêu rõ.

Theo ông Lê Quang Mạnh, một số ý kiến nhất trí bổ sung hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” theo đề xuất của Chính phủ. Trong khi ý kiến khác cho rằng không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc.

“Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo nhất trí bổ sung quy định này để làm cơ sở địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư. Qua đó, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp gắn trách nhiệm quản lý với sử dụng, khai thác tài sản công” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Doanh nghiệp nhà nước không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất…

Một nội dung quan trọng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo luật bổ sung cụm từ “không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Bên cạnh những ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo, một số ý kiến cho rằng việc sắp xếp nhà, đất của doanh nghiệp là rất cần thiết. “Nếu bỏ quy định này tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn do không có luật nào khác quy định việc sắp xếp lại nhà, đất của doanh nghiệp” - ý kiến này phân tích.

Về nội dung này, ông Lê Quang Mạnh thông tin đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo nhất trí theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến trong thường trực cơ quan thẩm tra lo ngại về khả năng mất tài sản nhà nước do bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất như nội dung đang được dự thảo của luật.

Ý kiến này còn cho rằng bỏ quy định này sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, trong khi đất, nhà, công trình và các tài sản gắn liền với đất giao cho doanh nghiệp quản lý là rất lớn. Một số ý kiến của ĐBQH cũng lưu ý nội dung sửa đổi này vì “rủi ro thất thoát tài sản nhà nước là tương đối hiện hữu”.

“Do còn có ý kiến lo ngại của nhiều ĐBQH liên quan đến nội dung sửa đổi này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách xin UBTVQH cho ý kiến về vấn đề này” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8, QH sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến vấn đề tài chính vào sáng 29-11.

Trình Quốc hội bổ sung hai luật

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo thống nhất trình UBTVQH báo cáo QH xem xét bổ sung nội dung sửa đổi hai luật trên.

Đồng thời, sửa đổi tên gọi của dự thảo luật này là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (tức một luật sửa chín luật).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm