Lô S-400 đầu tiên đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ đáp trả thế nào?

Lô hệ thống tên lửa S-400 đầu tiên do Nga sản xuất đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ngày 12-7. Diễn biến này đưa thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đến gần hơn với một cuộc đối đầu mới với Mỹ.

Thông cáo ngày 12-7 của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước đã nhận được “lô thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không hiện đại S-400” và đã được chuyển tới căn cứ không quân Murted bên ngoài thủ đô Ankara.

Máy bay chở hàng của Nga hạ cánh xuống sân bay Murted ngày 12-7. Ảnh: CNN

“Việc chuyển giao các thiết bị khác của hệ thống này sẽ được tiếp tục trong vài ngày tới. Và nhà chức tránh sẽ quyết định sử dụng S-400 như thế nào một khi hệ thống này hoàn toàn sẵn sàng”, thông cáo cho biết.

Trong khi đó, một nguồn tin quân sự-ngoại giao tiết lộ với hãng thông tấn TASS rằng một máy bay khác dự kiến chở lô thiết bị thứ hai đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần. Nguồn tin thêm rằng đợt vận chuyển thứ ba chở theo hơn 120 tên lửa phòng không các loại sẽ được chuyển tới vào cuối mùa hè bằng đường biển.

Cũng theo nguồn tin trên, 80 nhà vận hành S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến Nga tham gia khóa huấn luyện vào tháng 7 và tháng 8. Trong thời gian tháng 5 đến tháng 6, khoảng 20 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia huấn luyện vận hành S-400 tại trung tâm huấn luyện của Nga và đã trở về nước sau khi kết thúc khóa huấn luyện và sẽ tiếp nhận S-400.

Cơ quan Hợp tác quân sự kỹ thuật Liên bang Nga ngày 12-7 xác nhận S-400 đã được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga sẽ chuyển giao một phần công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không của Nga đã củng cố mối quan hệ mới được phát triển giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhưng lại là sự đi xuống mới nhất trong mối giao bang Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khi hai đồng minh NATO này vốn đã căng thẳng vì nhiều vấn đề như Syria.

Chiếc An-124 của Nga chở tổ hợp S-400 tới Ankara ngày 12-7. Ảnh: CNN

Mỹ từ lâu cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này có thể bị chặn tiếp nhận tiêm kích tàng hình tân tiến F-35 nếu cương quyết mua S-400 từ Nga, một hệ thống mà giới chức Mỹ lo ngại có thể được dùng để phân tích và thu thập tình báo đối với F-35.

Một quan chức NATO ngày 12-7 nói với CNN rằng: “Việc mua thiết bị quân sự nào là do các đồng minh quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về hậu quả tiềm năng từ quyết định mua hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Quan chức trên thêm rằng: “Khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang của chúng tôi là nền tảng để NATO tiến hành các chiến dịch và sứ mệnh của mình”.

Mỹ có thể đáp trả như thế nào?

Theo CNN, Lầu Năm Góc có thể chính thức chấm dứt hoàn toàn sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình phát triển F-35. 

Trong chuyến thăm trụ sở NATO ở Bỉ cuối tháng trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400, họ sẽ không nhận được F-35. Đơn giản như vậy thôi”.

Ngoài ra những phi công học lái F-35, nhân viên bảo trì đang huấn luyện ở Mỹ cũng có thể bị trục xuất.

Hơn nữa, Mỹ dự kiến sẽ tung trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), trong đó quy định trừng phạt những nước mua thiết bị quân sự từ các hãng nằm trong danh sách đen. Các lệnh trừng phạt này có thể làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ hợp S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Lầu Năm Góc cũng đã bắt đầu đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một số lĩnh vực của chương trình F-35 và tháng trước thông báo rằng tới ngày 31-7 Ankara phải đạt được thỏa thuận với Mỹ về thương vụ S-400. Nhưng Lầu Năm Góc cũng cho biết việc đình chỉ có thể tới sớm hơn nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400 trước thời hạn 31-7.

Nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35, Ankara sẽ không chỉ không thể hoàn thành kế hoạch mua 100 chiếc F-35 mà các công ty và các nhà sản xuất linh kiện của Thổ Nhĩ Kỳ - những công ty tham gia dự án F-35 – sẽ mất đi cơ hội làm ăn đáng kể.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Çavuşoğlu tháng 4 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu từ 1,2 tỉ USD và đang đổ thêm 2,3 tỉ USD vào dự án F-35 và họ đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình với tư cách một nước tham gia chương trình F35.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay hơn 900 linh kiện F-35, trong đó một số thành phần của càng đáp và phần thân máy bay trung tâm, được sản xuất bởi Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn trong số chúng là “nguồn duy nhất”.

Theo Bà Ellen Lord, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, Lầu Năm Góc đang tích cực làm việc với tập đoàn Lockheed Martin về phần máy bay, với Pratt & Whitney về động cơ nhằm tìm ra các nguồn thay thế cho các linh kiện do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Bà cũng nói rằng chương trình có thể dựa vào các kho thay thế ở châu Âu để bù vào các bộ phận sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm