Tọa đàm “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 4-4 có nhiều ý kiến từ thực tiễn.
Ông Nguyễn Hải Hùng, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội là người phát biểu gần như cuối cùng. Ông Hùng cho hay: “Một năm nay, kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ra đời và có hiệu lực thì mới chỉ có... 9 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Thực tiễn là vậy!”
Ông Nguyễn Hải Hùng, Phó trưởng phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng: doanh nghiệp hay hộ kinh doanh chỉ là công cụ để người dân chọn lựa kinh doanh, sinh lợi và... hạnh phúc. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Hùng kể chuyện ông có hai người bạn. Một người là tổng giám đốc một công ty công ứng dụng công nghệ 4.0, thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản, các công đoạn khác đều thuê đơn vị có chức năng làm, giao dịch qua mạng. Một người khác thì có quán café – phở, thuê 10 lao động.
“Cả hai đều rất “happy” (hạnh phúc)”, ông Hùng nói và khẳng định: “Tôi tâm đắc quan niệm rằng: doanh nghiệp hay loại hình gì đó cũng chỉ là công cụ kinh doanh. Làm sao để người dân vận dụng công cụ ấy kinh doanh, sinh lợi và đóng thuế là được”.
Theo ông Hùng, khó khăn về pháp lý là do “hộ kinh doanh” chưa được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp 2014 mà mới chỉ ở cấp nghị định. Mặt khác, quy định về thủ tục chuyển đổi cũng chưa có. Mặt khác, có những rào cản pháp lý như cách tính thuế cũng rắc rối, không đơn giản như với hộ kinh doanh.
“Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp không cho thấy sự hấp dẫn hơn về thị trường vốn và quản trị”, ông Hùng nhận xét.
Một số ý kiến khác cho rằng: thực ra vấn đề “hộ kinh doanh” là một tồn tại của lịch sử phát triển kinh tế nước ta từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Nhiều luật như BLDS 2015 không còn ghi nhận. Thực tế, lĩnh vực ngân hàng, thuế… đều “cá thể hóa” các giao dịch với chủ “hộ kinh doanh”.
Luật sư Trương Thanh Đức lấy ví dụ về ngân hàng và cho rằng: “Không có tài khoản của chùa Ba Vàng, gắn với trách nhiệm của chùa, mà phải là trách nhiệm một cá nhân trong chùa. Cũng như vậy, mọi trách nhiệm pháp lý liên quan tới “hộ kinh doanh” hay doanh nghiệp tư nhân cũng đều quy về cá nhân”.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi lên doanh nghiệp thì dễ bị “hành” hơn. Ở những địa phương có nhiều doanh nghiệp thì còn đỡ. Nhưng nếu một địa phương nào đó chỉ có 30 doanh nghiệp thì rất dễ bị… hành.
Về lo ngại này, LS Trương Thanh Đức bày tỏ: “Nếu cộng đồng DN đông đảo tới hàng triệu và có vai trò to lớn rồi thì sợ gì? sợ gì sự nhũng nhiễu, gây khó dễ của các cơ quan quản lý. Khi đó họ buộc phải thay đổi cách thức quản lý phù hợp”.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho hay: “Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực của người dân kinh doanh. Nguyên tắc là cái gì đang cản trở quyền kinh doanh của họ sẽ phải bãi bỏ, còn việc thiết kế chi tiết, đưa hộ kinh doanh vào hay đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp chỉ là kỹ thuật pháp lý”, ông Hiếu cho biết.
Hội thảo ghi nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề “hộ kinh doanh”. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong số báo ngày mai, 5-4.