Từ ngày 1-7-2024, Quyết định 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức được áp dụng. Cụ thể, khách hàng muốn thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng đều bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt.
Số lượng các vụ lừa đảo ngân hàng giảm 20 lần
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng và các ngân hàng, đây là bước tiến quan trọng của ngành ngân hàng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến.
Sau khi trải qua một số bất tiện do khó cập nhật hoặc nghẽn hệ thống lúc ban đầu, nhiều người tiêu dùng đã có phản hồi tích cực khi sử dụng sinh trắc học.
Chị Phạm Thanh Mơ sống tại quận Ba Đình – Hà Nội cho biết: “Trước đây tôi cũng từng phản ứng khá mạnh khi phải cập nhật sinh trắc học bởi tôi nghĩ rằng nó sẽ rất bất tiện. Thực tế những ngày đầu khi ứng dụng liên tục lỗi, tôi cũng thấy khó chịu”.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian hệ thống đi vào ổn định, chị Mơ lại cảm thấy việc xác thực sinh trắc học cũng nhanh và tiện. “Xác thực sinh trắc học cũng chỉ mất thêm 3 giây, chẳng ảnh hưởng gì đến tốc độ chuyển khoản mà thực tế tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Từ góc độ ngân hàng, đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội, sở hữu với hơn 8 triệu khách hàng cho biết từ khi quy định về xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, số lượng các vụ lừa đảo liên quan đến tài khoản và thẻ ngân hàng đã giảm đến 20 lần, giá trị mỗi vụ lừa đảo cũng thấp hơn rất nhiều.
Còn ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số MB khẳng định, việc xác thực bằng dữ liệu khuôn mặt kết hợp với cảnh báo tài khoản lừa đảo đóng vai trò như một phòng tuyến quan trọng ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, kể cả khi sử dụng công nghệ Deepfake tinh vi.
"App MBBank hiện nay có thể phát hiện các khuôn mặt không đúng với khuôn mặt người đăng ký, đồng thời cũng từ chối nhận diện các trường hợp đeo khẩu trang, che mặt, đeo kính râm, hay các hành động cố tình không để lộ rõ khuôn mặt", ông Mai Huy Phương, nhấn mạnh.
Ông Phương thông tin thêm, tỷ lệ xác thực khuôn mặt thành công tại nhiều ngân hàng ở mức rất cao. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, MB đã có 95% giao dịch xác thực khuôn mặt thành công. Với các trường hợp chưa thực hiện được xác thực khuôn mặt trên App MBBank do thiết bị hay các nguyên nhân khác, MB triển khai hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Theo số liệu của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05), trong năm 2023, cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP); tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Gia tăng bảo vệ khách hàng từ 1-10-2024
Theo Thông tư 18/2024 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1-10-2024, việc bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro lừa đảo sẽ được thực hiện tốt hơn nữa với quy định cá nhân đăng ký mở thẻ bằng phương tiện điện tử phải thực hiện xác thực sinh trắc học.
Đáng chú ý, điều 9 quy định về thủ tục phát hành thẻ của Thông tư 18/2024 của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo yêu cầu của khách hàng, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhằm nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quy định pháp luật có liên quan.
Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, tới đây việc mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ sẽ cần thêm nhiều thời gian, quy trình sẽ là ngân hàng thu thập đầy đủ thông tin của khách hàng dựa trên căn cước công dân và sinh trắc học, sau đó sẽ đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an.
Nếu thông tin kiểm chứng chính xác thì khách hàng mới được cấp tài khoản và thẻ. So với trước đây, quá trình này chắc chắn mất thêm chút thời gian, nhưng đại diện ngân hàng thương mại này khẳng định quy trình đó là hoàn toàn phù hợp để giúp giảm tối đa tình trạng dùng giấy tờ giả, không chính chủ để mở tài khoản với mục đích xấu. Đại diện ngân hàng nhận định việc này sẽ không gây nghẽn hệ thống giống như thời gian 1-7.
TPBank khẳng định đã sẵn sàng hệ thống để thu thập dữ liệu từ tất cả các kênh và điểm chạm với khách hàng từ trước khi Quyết định 2345 đi vào hiệu lực, thông qua trang bị thiết bị đọc chip chuyên dụng và giải pháp xác thực so khớp khuôn mặt tại tất cả các quầy, phòng giao dịch; Kích hoạt thiết bị đọc chip chuyên dụng và giải pháp xác thực bất kể ngày đêm trên TPBank LiveBank 24/7 hoạt động 24/7 với 450 điểm giao dịch...
Nhìn trên bình diện chung, Việt Nam đang đi trước rất nhiều nước trên thế giới trong việc áp dụng công nghệ sinh trắc học để gia tăng an ninh ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc yêu cầu các khách hàng bắt buộc phải thực hiện xác thực sinh trắc học là quá trình từng bước bởi từ 1-1-2025, tất cả các giao dịch của ngân hàng dù số tiền trên hay dưới 10 triệu đều phải xác thực sinh trắc học. Việc đăng ký sinh trắc học khi mở thẻ là một bước trong lộ trình đó.
Việc xác thực sinh trắc học đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới, Thái Lan đã yêu cầu xác thực sinh trắc học khi giao dịch tại ngân hàng. Tại Nhật bản, Ấn Độ, Braxin, cũng đã có yêu cầu xác thực sinh trắc học tại một số cây ATM khi rút tiền.
"Từ 1-7 cho đến nay, việc xác thực sinh trắc học đã được phần lớn người tiêu dùng thực hiện. Chính vì vậy trong thời gian tới việc xác thực sinh trắc học khi mở thẻ trên phương tiện điện tử sẽ không gây ra tình trạng nghẽn hệ thống", ông Sơn dự báo.
Nhiều ý kiến khác cũng nhìn nhận, kể từ khi áp dụng sinh trắc học đối với giao dịch trực tuyến, các ngân hàng xác thực được tài khoản chính chủ, hạn chế được tình trạng mua bán tài khoản như thời gian qua. Đồng thời, các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng cũng giảm.
Theo Thông tư 18/2024 và Thông tư 40/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1-10-2024 các ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ phải thu thập dữ liệu sinh trắc học đối với chủ thẻ, người sở hữu ví điện tử. Đến ngày 1-1-2025, các giao dịch chuyển tiền, rút tiền… phải có xác thực sinh trắc học thay vì chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày trở lên như hiện nay.
Quy định mới nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản không chính chủ, giúp làm sạch tài khoản, giảm thiểu rủi ro gian lận và đảm bảo tài khoản ngân hàng chính chủ.